Đảng Lập hiến Đông Dương (tiếng Pháp: Parti Constitutionaliste Indochinois) là một chính đảng hoạt động ở Nam Kỳ trong thập niên 1910 đến 1930. Đảng này do Bùi Quang Chiêu, một kỹ sư canh nông, có quốc tịch Pháp, cũng là hội trưởng Hội Trí Tri và chủ bút tờ La Tribune Indochinoise thành lập.
Tư tưởng chủ đạo của Đảng lập hiến của Bùi Quang Chiêu là xây dựng Hiến pháp và đấu tranh vì các quyền tự do, dân chủ của dân An Nam bằng phương pháp đấu tranh ôn hoà, chống bạo động và trong khuôn khổ thừa nhận chính quyền bảo hộ của Pháp.
Nguồn gốc ra đời
Hồi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, để làm tiền, bòn lúa, bắt lính, bắt phu, viên toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut hứa hươu, hứa vượn, trong đó có hứa một Hiến pháp cho Đông Dương, lại có hình ảnh son phấn của một xứ “Đông Dương - nước Pháp Viễn Đông”. Bùi Quang Chiêu, Phạm Phú Khai, Nguyễn Phan Long… bám vào chữ Hiến pháp đó để lập ra Đảng lập hiến Đông Dương. Đảng lập hiến Đông Dương tự gọi là Đông Dương, kỳ thật nó không hề vượt ra ngoài ranh giới Nam Kỳ.[1]
Người sáng lập
Đảng Lập Hiến Đông Dương chính thức ra đời vào năm 1923 với cơ quan ngôn luận chính của Đảng là tờ La Tribune Indigène (tạm dịch nghĩa là Diễn đàn bản xứ).
Lãnh đạo của Đảng là ông Bùi Quang Chiêu với các thành viên chính là các ông Nguyễn Phan Long (nhà báo), Nguyễn Trực (nhà báo), Dương Văn Giáo (luật sư), Trần Văn Đôn (bác sĩ), Trương Văn Bền (nhà tư sản), Diệp Văn Kỳ (sinh viên luật), Trần Văn Khá, Lê Quang Liêm, Nguyễn Tấn Dược, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Văn Thinh... Người đứng ra thành lập tờ La Tribune Indigène vào tháng 8 năm 1917 là ông Nguyễn Phú Khai, nhưng người đứng đằng sau thúc đẩy là ông Bùi Quang Chiêu.
Ông Bùi Quang Chiêu (1873 - 1945), sinh ra trong gia đình vốn có truyền thống Nho học tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Khi lớn lên ông được gia đình gửi sang Algérie học. Năm 1894 ông tiếp tục theo học trường École Coloniale ở Pháp. Đến năm 1897, ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ bằng kỹ sư canh nông của Pháp. Trong thời gian ở Pháp, ông đã tham gia hoạt động xã hội, thành lập tổ chức Association mutuelle des Indochinois (Hội Tương trợ Đông Dương), một trong những đoàn thể sớm nhất của người Việt ở Pháp.
Trở về nước năm 1917, ông làm việc ở Phủ Toàn quyền Đông Dương vào thời kỳ Paul Doumer đang tiến hành các cải cách. Sau đó ông được bổ nhiệm về Sở Canh nông. Sau khi về Việt Nam, Bùi Quang Chiêu cũng tham gia cổ động cho phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh và phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, nhưng ông có quan điểm khác với lãnh tụ của hai phong trào này. Theo ông, Việt Nam không thể nào hy vọng sẽ thành công trong việc canh tân hóa kinh tế và xã hội của mình nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, cụ thể là từ người Pháp và từ người Nhật.
Tháng 8 năm 1906, lúc đang làm việc tại Hà Nội, ông trở thành chủ tịch đầu tiên của Hội Tương trợ (Société de Secours Mutuel) được thành lập bởi những người dân Nam Kỳ sống tại Bắc Kỳ. Trên thực tế tại thời điểm đó đã có nhiều hội kín được hình thành trên khắp ba miền với các hoạt động chính trị làm kinh hoàng người Pháp. Vì thế người Pháp sẵn sàng cấp giấy phép cho các hội được thành lập với hoạt động phi chính trị. Ông Bùi Quang Chiêu lợi dụng điều này để phát triển các hội mang tính hợp pháp.
Sau khi trở lại Sài Gòn, ông đóng vai trò chính trong việc thành lập một hội của các cựu học sinh trường Collège Chasseloup - Laubat, đồng thời mở rộng Hội Giáo dục Tương trợ (Société d’Enseignement Mutuel). Đây là hội được thành lập bởi một người Pháp tên là A. Sallers. Đến năm 1918, Bùi Quang Chiêu làm chủ tịch của cả hai hội này. Từ cơ sở của các hội này ông xây dựng nên Đảng Lập Hiến.
Lực lượng
Đảng Lập Hiến có lực lượng tham gia chủ yếu là người Việt thuộc thành phần giai cấp tư sản dân tộc, đại địa chủ, tri thức tiểu tư sản, một số là binh lính phục vụ trong hàng ngũ quân đội thực dân Pháp. Đảng này hoạt động chủ yếu ở Nam Kỳ. Một số nhân vật tiêu biểu của Đảng Lập hiến ở Nam kì là Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền, Dương Văn Giáo, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Khá...
Trong năm 1930 đã diễn ra một trận bút chiến giữa tờ Đuốc nhà Nam của Nguyễn Phan Long và cây bút Phan Khôi của Trung lập báo. Qua cuộc bút chiến này, đặc biệt là trong loạt bài về Đảng Lập hiến đã giúp cho chúng ta hiểu hơn về sự vận động thành lập và cơ chế hoạt động của đảng này:
“Ông Bùi Quang Chiêu cùng ông Dương Văn Giáo đứng dựng nên đảng Lập hiến tại bên Pháp, có đem điều lệ của đảng trình tại dinh quận Seine. Đến khi trở về bên này, ông Bùi có đem điều lệ ấy đến trình ở chánh phủ Nam kì, Từ lúc đó đến giờ (1930-TG) không thấy chánh phủ trả lời cho ông về sự đó sao hết. Nhơn vì chánh phủ chưa tuyên bố rằng đã nhận được điều lệ của đảng, chưa nhìn nhận đảng nên đảng Lập hiến như là chưa thành lập một cách chính thức. Đó là vì còn thiếu cái điều khoản quan hệ ấy mà đảng Lập hiến không có đủ danh nghĩa đặng họp hội đồng, lựa đảng viên…”[2].
Qua đó thể thấy Đảng Lập hiến dù gọi là Đảng nhưng thật chất chỉ là một nhóm chính trị gồm các điền chủ, nghiệp chủ, trí thức… có địa vị trong xã hội Nam kì dưới sự cổ động của các tờ báo do nhóm này lập ra như La Tribune Indegènè, L’Écho Annamite, Đuốc nhà Nam,...
Chủ trương
Chủ trương của Lập hiến Đảng là đấu tranh ôn hòa, thỏa hiệp với thực dân Pháp vào đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 20 nhằm giành quyền lợi về kinh tế cho người Việt, chủ trương dành độc lập dân tộc thông qua việc duy tân, thu nhập và phát triển văn hóa mới theo phương Tây.
Khi Alexandre Varenne qua Đông Dương chấp nhiệm làm toàn quyền năm 1925 thì đảng Lập hiến soạn "Le cahier des vœux" 50 trang đưa ra một số nguyện vọng về cải cách thủ tục nhập tịch công dân Pháp, phép cai trị, nền giáo dục, lệ quân dịch, và tự do báo chí, đại để đều nằm trong khuôn khổ hạn chế chứ không thách thức gì chính quyền. Varenne hứa hẹn sẽ xét cải tổ một số điểm về ngạch công chức cho người Việt và mở thêm trường sở nhưng giữ nguyên lập trường hạn chế đám đông tập họp và kiểm duyệt với báo chí tiếng Việt.[3]
Cơ quan ngôn luận
Tribune Indigène là tờ báo tiếng Pháp đầu tiên của người Việt, ra đời tháng 8 năm 1917 ở Nam Kỳ nguyên do Nguyễn Phú Khai thành lập nhưng kinh phí do chính phủ Liên bang Đông Dương đài thọ. Ông có lập trường bài Hoa, thường dùng báo cổ động đấu tranh kinh tế với Hoa kiều.[4] Ông cũng là người Việt đầu tiên mở nhà máy gạo năm 1915 cạnh tranh với các nhà máy xay lúa của người Hoa ở Mỹ Tho nhưng không thành công.
Sau khi Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu ra đời thì báo Tribune Indigène được dùng làm cơ quan ngôn luận của Đảng. Hai tờ L'Echo Annamite và Đuốc Nhà Nam cũng thuộc Đảng cùng phát động rầm rộ chiến dịch tẩy chay hàng hóa người Hoa năm 1919 và ủng hộ việc tham gia các hoạt động tài chính, ngân hàng trong nền kinh tế của người Việt vào giữa thập niên 1920.[5]
Các báo này sau dùng để chuyển đạt đòi hỏi bình quyền giữa người Việt và người Pháp nên tháng 2 năm 1925 tờ Tribune Indigène bị chính phủ Thuộc địa ép phải đình bản. Sang năm sau, 1926 tờ Tribune Indochinoise mới ra đời (F H Schneider đứng tên) phục hoạt làm tiếng nói của Đảng.[6] Báo này hoạt động đến năm 1942 thì chấm dứt.[7] Tờ Lục tỉnh Tân văn của Nguyễn Văn Của và Lê Quang Liêm cũng được dùng làm cơ quan ngôn luận của Đảng Lập hiến.
Uy tín và hoạt động
Các hoạt động ở Nam Kỳ
Năm 1919, Đảng Lập Hiến tổ chức các hoạt động nhằm khống chế kinh tế người Hoa ở Nam Kỳ. Sự vận động này lại diễn ra trong một không khí khá đặc biệt của cuộc tẩy chay Khách trú năm 1919. Nguyên do khởi đầu của phong trào tẩy chay là qua một sự kiện xảy ra ở một quán cà phê ở Sài Gòn. Chủ tiệm là một người Hoa tăng giá cà phê từ 2 centimes (xu) lên 3 centimes (xu). Các tờ báo, nhất là tờ “Tribune Indigène” (Diễn đàn bản xứ) khởi động phong trào tẩy chay thương mại người Hoa. Cũng có một số bài viết kêu gọi tẩy chay luôn các tiệm cầm đồ, cho vay của người Ấn nhưng rất hạn chế, cuộc tranh thương này tập trung chủ yếu vào giới Hoa kiều. Sau khi một nhóm người Hoa biểu tình trước trụ sở tờ báo “Tribune Indigène” và đập phá, thì phong trào tẩy chay lan từ Nam Kỳ đi khắp Đông Dương, nhất là ở Hà Nội, trước khi Toàn quyền Đông Dương Maurice Antoine François Monguillot cuối cùng phải có biện pháp hạn chế lại.
Ngày 13 tháng 8 năm 1919, trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Lê Hoằng Mưu (1919) viết bài xã luận chính thức kêu gọi tẩy chay các cửa hàng người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn:
“Vì biết thẹn chung, hổ chung bởi lời Khách trú ở đậu với ta mà khinh khi ta, nên mấy ngày sau đây, Annam phần nhiều đã tẩy chay Khách trú, không thèm uống cà phê Khách trú nữa… Hãy tẩy chay Khách trú đi đồng bang, đồng lòng cùng nhau, hiệp ý nhau, làm cho nên, chớ có làm mưa mứa mà mang điều, mang tiếng cười chê, cười ta, chê ta, nhục nòi giống ta, nước Đông hải rửa nhơ không sạch.” [8]
Tờ La Tribune Indigène cũng kêu gọi: “Hãy tập hợp lại, đây là sức mạnh của chúng ta, chiến thắng của chúng ta”.[9]. Phong trào tẩy chay Hoa thương trên báo chí nhanh chóng từ Nam Kỳ lan rộng ra cả nước. Hoạt động biểu tình, rải truyền đơn diễn ra ở nhiều nơi với những khẩu hiệu như “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam không gánh vàng đi đổ sông Ngô”[10],… Ở Bắc Kỳ, những doanh nhân đóng vai trò chủ chốt trong phong trào này như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín, Nguyễn Huy Hợi…
Thậm chí ở Hà Nội, phong trào còn mang khuynh hướng bạo lực, nhiều cửa hàng người Hoa bị đập phá.[11] Trên diễn đàn công khai của báo chí, hai bên người Hoa và người Việt liên tục công kích, tấn công lẫn nhau. Rất dễ nhận ra cuộc đấu tranh kinh tế này của người Việt đã mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Tâm lý uẩn ức của một cộng đồng bản xứ vừa mất nước lại vừa bị chèn ép về kinh tế vốn hết sức ngột ngạt đã mau chóng được giải phóng qua làn sóng tẩy chay Hoa kiều.
Chính trong bối cảnh này, một lời thách thức do giới thương nhân Hoa kiều đưa ra đã chạm vào sự tự tôn dân tộc của giới tinh hoa người Việt: “Nếu Annam lập được nhà băng thì họ thưởng cho một cái xe hơi 8 chỗ ngồi”.[12]
Ngày 28 tháng 8 năm 1919, tờ La Tribune Indigène công bố một loan báo rằng sẽ có cuộc tẩy chay kinh tế của người Hoa. Không lâu sau đó Hội Thương mại An Nam (Société Commeriacle Annamite) được thành lập, do ông Nguyễn Phú Khai làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch là các ông Nguyễn Chánh Sắt, chủ bút tờ báo Nông Cổ Mín Đàm (1901 - 1924) và ông Trần Quang Nghiêm, một thương gia. Hội tổ chức phiên họp đầu tiên tại trụ sở của Hội Giáo dục Tương trợ để bàn về nội dung và biện pháp cho cuộc tẩy chay.
Tháng 10 năm 1919, những người tham gia phong trào thành lập Ngân hàng An Nam (Banque Annamite) nhằm hỗ trợ cho người Việt lập nghiệp, kinh doanh. Tay bút Tân Dân Tử trên tờ Nông cổ mín đàm đã kêu gọi thành lập ngân hàng của người Việt để tránh lệ thuộc vào nguồn tài chính của người Hoa và người Ấn:
- “Người bổn quốc ta mảng có tánh nghi nan đố kỵ nhau, nên không đồng tâm hiệp lực mà kinh dinh cuộc thương mại chi với người ngoại quốc đặng. Vì vậy các cuộc đại thương trong xứ ta đều nhượng cho Trung Huê và Ấn Độ thâu tóm lợi quyền, mà trường hưởng phú quí, lạc nghiệp an cư, như một phần hương hỏa kia của tổ phụ người lưu lại cho đó vậy. Còn người Annam là người bản sở tổ quán xứ này mà không đặng hưởng đúng sự giàu sang thạnh lợi, cứ rút vô chỗ thảo gia điền viên mà ra sức cày sâu cuốc bẩm, buôn vụn bán vằn, người nào có phước thì phước đặng ấm dưỡng thê nhi kẻ nào thất thời lại phải bần hàn cực khổ, thiệt là thua sức người ngoại quốc lắm.… Nay chúng ta muốn tranh đua thắng bại với người Trung Quốc, thì kịp dùng thương mãi mà cự địch với chúng nó, còn muốn tranh đua với người Ấn Độ, thì kịp lập cuộc ngân hành (nhà băng để cho vay).” [13]
Không chịu thua cuộc, một nhóm doanh nhân, điền chủ ở Nam Kỳ đã nhóm họp thảo ra tờ chương trình của Ngân hàng Việt Nam, với số vốn định 10 triệu đồng từ việc huy động 100 vạn cổ phần. Hội đồng sáng lập có Lê Văn Mầu, đốc phủ sứ hưu trí làm chủ hội; Nguyễn Hữu Hào, điền chủ, con rể của Lê Phát Đạt làm phó chủ hội; Nguyễn Văn Của, chủ nhà in Union làm thủ quỹ; Nguyễn Phú Khai, tổng lý hãng Thuận Hòa và quản lý tờ La Tribune Indigène làm thư ký[14]. Một điều đáng lưu ý của dự án này là việc quy định ¼ số cổ phần cho người Pháp nào có lòng muốn giúp vốn mở ngân hàng và giao cho viên quản lý người Pháp trông coi hoạt động kinh doanh. Qua đó, có thể thấy nhóm vận động dự án thành lập Việt Nam Ngân hàng năm 1919 muốn dựa vào một phần tài lực của giới tư sản Pháp để cạnh tranh với Hoa kiều. Sức mạnh về kinh tế của giới tinh hoa bản xứ năm 1919 vẫn chưa đủ để họ tự tin tranh thương một cách độc lập và sòng phẳng với Hoa kiều. Tuy nhiên dự án Việt Nam Ngân hàng lần này của nhóm Lê Văn Mầu không thành công, phải mất 8 năm sau nó mới thành hiện thực. Sau lời kêu gọi thành lập Việt Nam Ngân hàng năm 1919, giới tinh hoa người Việt ở Nam Kỳ không ngừng phát triển về lực lượng cũng như thực lực về kinh tế và chính trị. Chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918) khiến hàng hóa của Pháp không thể qua Đông Dương như trước đó nên người Pháp buộc lòng để các thế lực kinh tế bản xứ tạm thời lấp vào chỗ trống trên thị trường.
Đầu tháng 11 năm 1919, Hội nghị Kinh tế Nam Kỳ (Congrès Économique de la Conchinchine) được tổ chức, có đại diện từ 16 trong 20 tỉnh của vùng thuộc địa Nam Kỳ tham dự. Tuy nhiên, do người Hoa ở Nam Kỳ nắm quyền kiểm soát khá chặt chẽ thị trường mậu dịch lúa gạo, lại được Pháp ủng hộ, nên phong trào tẩy chay nói trên không hiệu quả. Đến khoảng giữa năm 1920, cuộc tẩy chay lắng dịu. Ngoài việc thu hút thêm một số ít người Việt Nam tham gia thì cuộc vận động này chỉ đạt được sự thay đổi về kinh tế chút ít.
Giữa năm 1921, thông qua tờ La Tribune Indigène, Đảng Lập Hiến tiến hành một chiến dịch khác, đòi cải tổ Hội đồng Thuộc địa (Conseil Colonial), yêu cầu mở rộng cho các đại diện của người Việt được tham gia. Chiến dịch này đã đạt được một số thắng lợi. Theo sắc lệnh ngày 9 tháng 6 năm 1922 của Thống đốc Nam Kỳ, số đại diện người An Nam đã gia tăng trong Hội đồng Thuộc địa từ 6 lên 10 người, mở rộng số lượng cử tri người Việt từ khoảng 1.500 người lên hơn 20.000 người. Tuy nhiên, vào lúc đó, số hội viên người Pháp thực sự trong Hội đồng Thuộc địa lại gia tăng lên thành 14 người nên người Pháp vẫn chiếm đa số trong Hội đồng[15].
Tháng 10 và tháng 11 năm 1922, trong cuộc tuyển cử đầu tiên vào Hội đồng Thuộc địa theo các quy định mới đã có 10 hội viên bản xứ được bầu vào và đều là thành viên của Đảng Lập Hiến. Trong đó, nổi bật nhất là ông Nguyễn Phan Long, người đã trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng, và là phát ngôn viên chính của Đảng Lập Hiến ở Hội đồng Thuộc địa, đại diện cho đơn vị tuyển cử khu vực Sài Gòn.
Ngoài thúc đẩy cải cách Hiến pháp, ông Nguyễn Phan Long và những người trong Đảng Lập Hiến còn quan tâm đến cải cách về giáo dục. Năm 1923, với mục đích mở rộng thêm các trường học tư thục, ông Nguyễn Phan Long mở một “trường tư thục nội trú” tại Gia Định. Cùng lúc, ông Bùi Quang Chiêu cũng thành lập An Nam Học Đường tại Phú Nhuận, ngoại ô Sài Gòn. Nhưng chính quyền thuộc địa Pháp không ủng hộ điều này.
Tháng 9 năm 1924, một sắc lệnh của Thống đốc Nam Kỳ đã hạn chế sự thành lập các trường tư thục. Tháng 11 năm 1923 đảng viên Đảng Lập Hiến đụng độ với Phó Thống đốc Nam Kỳ mới, ông Maurice Cognacq, một người bảo thủ có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Nam Kỳ. Tại Hội đồng Thuộc địa, ông Nguyễn Phan Long phát biểu chống lại các đề nghị về một quy ước mới cho hải cảng Sài Gòn. Ông đã trình bày hùng hồn những quan điểm của mình, nhưng không thể ngăn cản Hội đồng thông qua bản quy định với đa số phiếu (14/7).
Đến năm 1924, Đảng Lập Hiến buộc phải theo con đường trung lập, giữa một bên là những người ủng hộ chính quyền thực dân, dưới sự lãnh đạo của các ông Diệp Văn Cương và Lê Quang Trinh, và một bên là những người đứng lên chống lại chính quyền thực dân, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường. Triết lý của những người trong Đảng Lập Hiến được tóm lược trong một bài viết trên tờ La TribuneIndigène vào giữa năm 1923: “Có hai cách để chinh phục tự do: bằng súng đại bác hay bằng văn hóa; chúng tôi chọn văn hóa”.[16]
Vào tháng 7 năm 1925, một lần nữa Đảng Lập Hiến có cơ hội được đáp ứng các yêu cầu của mình, khi chính phủ mới ở Paris bổ nhiệm Alexandre Varenne làm Toàn quyền Đông Dương. Trong cuộc phỏng vấn công khai giữa ông Nguyễn Phan Long với Alexandre Varenne trong tháng 11 năm 1925, khi ông Varenne nói rõ rằng sẽ không thể nào chấp thuận các quyền tự do đầy đủ ngay tức thì, phe Lập hiến hy vọng rằng các đòi hỏi của của họ sẽ có thể được đáp ứng trong tương lai.
Cuối năm 1925, ông Bùi Quang Chiêu sang Paris, liên kết với ông Dương Văn Giáo để đưa ra một văn bản thuyết phục chính phủ tại Paris về lợi ích của các cải cách. Có sáu nguyện vọng đã được các ông đưa ra trong bản đề nghị này: Thứ nhất, được có các quyền tự do công dân căn bản, kể cả quyền được viết bằng tiếng Việt mà không bị kiểm duyệt, quyền tự do hội họp và lập hội, và tự do du hành mà không cần giấy phép đặc biệt; thứ hai, được mở rộng hệ thống giáo dục, cho người Việt Nam có các cơ hội chính đáng được theo học bậc đại học; thứ ba, gia tăng số viên chức bản xứ, với các trách nhiệm và sự trả công tương xứng với học vấn của họ; thứ tư, có sự đại diện thích hợp của người Việt Nam, cả ở chính Đông Dương và tại Quốc hội Pháp, và thiết lập tại Paris một Ủy hội Nghiên cứu Đông Dương (Commissiond’Études Indochinoises).
Các nguyện vọng này của Đảng Lập Hiến được ghi nhận trong một bài báo trên một tạp chí của Bỉ, tờ L’Essor Colonial et Maritime (tạm dịch là Sức bật Thuộc địa và Hàng hải). Tuy nhiên, các đòi hỏi như thế của Đảng chỉ gây tác động rất nhỏ đối với chính quyền và chưa thể đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng Lập Hiến.
Trong khoảng thời gian 1925 - 1926, lúc đang ở Pháp, Bùi Quang Chiêu còn tham gia nhiều hội nghị quốc tế, viết nhiều bài trên các báo ở Paris, tiếp xúc với Bộ Thuộc địa, Đảng Cấp tiến và tổ chức France - Macconeri, hai tổ chức mà ông đã từng là hội viên. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm 1926, ông quay lại Sài Gòn mà không đạt được kết quả gì. Ông được đón tiếp tại bến tàu bằng một cuộc biểu tình của những người Pháp chống lại các ý tưởng của ông và một cuộc biểu tình đón rước khác của hàng vạn đồng bào ủng hộ ông, một cuộc tiếp đón xưa nay chưa từng thấy. Nguyên nhân cũng bởi vì lúc này phong trào nhân dân yêu cầu chính phủ Pháp phải cải cách chính trị, phải ban hành tự do dân chủ đang lên cao. Những ngày sau đó, trong nhiều dịp khác nhau, Bùi Quang Chiêu bắt đầu tuyên bố một cách mập mờ, quanh co, mâu thuẫn về các mục tiêu của mình, khiến nhiều người yêu nước bắt đầu nghi ngờ. Thậm chí đã có một cuộc biểu tình phản đối ông do các thành viên của Đảng Thanh niên khởi xướng (Đảng này có tên tiếng Pháp là Jeune Annam, là tổ chức chính trị - xã hội do một nhóm thanh niên Việt Nam sáng lập vào tháng 3 năm 1926 tại Nam Kỳ và tan rã cùng năm. Nguyễn Trọng Hy làm Chủ tịch Đảng, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch.
Tháng 8 năm 1926, Đảng Lập Hiến tái lập tờ báo của họ, dưới cái tên mới là La Tribune Indochinoise (Diễn Đàn Đông Dương), khởi đầu một giai đoạn hoạt động mới. Ông Bùi Quang Chiêu giờ đây chính thức là giám đốc của tờ báo, ông Nguyễn Kim Đính là quản lý của tờ báo đồng thời còn điều hành tờ báo tiếng Việt Đông Pháp Nhật báo (1923 - 1929).
Cũng trong năm 1926, tại một phiên họp của Hội đồng Thuộc địa, một người Pháp tự do tên là Gallet đã đệ trình một đề xuất cho một “sự tiến lại gần nhau giữa người Pháp và người An Nam” (rapprochement FrancoAnnamite). Quan điểm này được ông Nguyễn Phan Long và những người theo phe Lập Hiến ủng hộ[17]. Tuy nhiên, có 5 thành viên Việt Nam cùng phần lớn người Pháp đã bỏ phiếu chống đối và bác bỏ đề nghị này. Kết quả của việc bỏ phiếu này làm gia tăng quyết tâm của phe Lập Hiến muốn kiểm soát tất cả số ghế dành cho bản xứ tại Hội Đồng. Tháng 10 năm 1926 họ cũng đã đạt được mục tiêu này trong kỳ bầu cử Hội đồng Thuộc địa: Tất cả mườì ứng cử viên phe Lập Hiến đều đắc cử. Đây được xem sự thành công lớn nhất của Đảng Lập Hiến trong suốt quá trình tồn tại của mình.
Khoảng giữa năm 1926, Phạm Quỳnh, một quan đại thần triều Nguyễn có xu hướng cải cách chính trị đã đề nghị Đảng Lập Hiến về việc thành lập một đảng chính trị hợp pháp tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đồng thời cộng tác với người Pháp để phát huy tinh thần, kinh tế và tri thức của cộng đồng người Việt. Ý tưởng này của ông đã nhận được sự ủng hộ của Phan Bội Châu, nhưng Toàn quyền Varenne không ủng hộ, và vì thế ý tưởng này không được sự thừa nhận pháp lý. Thực tế cũng có một đảng mới được thành lập tại Tourane (Đà Nẵng) trong tháng 9 năm 1926, có tên là Đảng Tiến bộ của người dân Việt Nam (Parti Progressive du Peuple Annamite), nhưng đảng này lại không được ông Phạm Quỳnh chấp thuận. Ông Bùi Quang Chiêu đã từ chối tham gia ý tưởng thành lập đảng chính trị, bởi lo sợ rằng các phong trào chính trị của Bắc Kỳ và Trung Kỳ nếu khởi sự tại Nam Kỳ có thể khiến các quy định báo chí và chính trị bị hạn chế ở các xứ bảo hộ cũng lan tới Nam Kỳ. Vì thế, Đảng Lập Hiến, mặc dù tự xưng là thuộc toàn Đông Dương, nhưng thực tế chỉ giới hạn hoạt động ở Nam Kỳ.
Cao điểm của Đảng là vào thập niên 1930 khi Bùi Quang Chiêu làm đại diện Nam Kỳ tại Thượng Hội đồng Thuộc địa ở thủ đô chính quốc Paris trong khi Nguyễn Phan Long và những đảng viên khác đắc cử trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ và Hội đồng thành phố Sài Gòn.
Trong những năm 1927 đến 1928, những người theo phe Lập Hiến có một số hoạt động đua tranh với Nhóm Thanh niên An Nam(1). Trong tháng 3/1927, tờ La Tribune Indochinoise chỉ trích các ông Nguyễn An Ninh và Trần Huy Liệu về việc tổ chức một cuộc biểu tình riêng rẽ tại mộ ông Phan Châu Trinh vài ngày trước ngày giỗ của ông.
Tháng 4 năm 1927, Nhóm Thanh niên An Nam đưa ra một lời kêu gọi Pháp triệt thoái khỏi thuộc địa. Khi được yêu cầu công bố lập trường của mình về vấn đề này, ông Bùi Quang Chiêu đã từ chối, tự tách mình hoàn toàn ra khỏi lời kêu gọi; ông chỉ nói rằng các thanh niên luôn luôn nóng nảy.
Cuối năm 1928, tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn cho phe Lập Hiến. Việc chỉ có thể tuyên bố sự ôn hòa đã khiến họ mất dần ảnh hưởng với đại đa số quần chúng. Những người theo phe Lập Hiến kể từ đó bị xem là một đảng phái chính trị thân Pháp.
Một sự kiện khá đặc biệt đối với Bùi Quang Chiêu và những người Lập hiến ở Nam Kỳ là chuyến đi đến Calcutta dự Đại hội lần thứ 43 của Đảng Quốc đại Ấn Độ (1929) của Bùi Quang Chiêu và Dương Văn Giáo. Chuyến đi có rất có ý nghĩa với Bùi Quang Chiêu vì đây là đầu tiên Bùi Quang Chiêu được đi sang một xứ thuộc địa phương Tây khác ngoài Pháp và dự đại hội của một đảng theo đường lối đấu tranh ôn hòa của Ấn Độ, cùng một khuynh hướng mà Chiêu và Đảng Lập hiến đang theo đuổi. Bùi Quang Chiêu xem sự kiện này là hành động đầu tiên trong đời sống quốc tế của người An Nam ở Viễn Đông[18]. Bùi Quang Chiêu và Dương Văn Giáo đã gặp các lãnh đạo chủ chốt của Đảng Quốc đại Ấn Độ trong suốt thời gian ở Calcutta. Và cũng nhân chuyến đi, Bùi Quang Chiêu và Dương Văn Giáo đã mời nhà thơ Rabindranath Tagore đến Việt Nam trong năm 1929.
Đường lối của Diệp Văn Kì đưa ra vẫn được những người lãnh đạo Đảng Lập hiến kiên trì thực hiện. Trong phiên nhóm họp Hội đồng quản hạt Nam Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 1935, Bùi Quang Chiêu đã đưa một đề nghị người Việt được ứng cử chức Nghị trưởng Hội đồng quản hạt:
“Người Nam chúng tôi ngày nay đã tấn hóa nhiều, đến nỗi giữa các hội nghị ở đây hoặc ở chỗ khác người Nam đã từng chung lưng đấu cật đề huề làm việc với người Pháp ngang hàng đồng tài đồng sức, chúng tôi lấy làm vui mừng ngày nay được nhập tịch vào cái gia đình người Pháp bởi cái tình luyến ái mà nước Pháp đã đối đãi với chúng ta nhiền lần vậy. Theo sự tấn hóa ấy thiết tưởng cái đạo luật 1922 ngày nay không hợp thời hợp lẽ nữa. Vậy chúng tôi định xin chính phủ hủy bỏ cái đạo luật bất công bằng ấy đi.” [19]
Đề nghị của Bùi Quang Chiêu đã làm dư luận ở Pháp cũng như Việt Nam sôi nổi [20]. Trước yêu sách này của Bùi Quang Chiêu, năm 1936, Tổng Thống Pháp Albert Leburn đã ra nghị định cho phép người Annam cũng được cử làm Nghị trưởng Hội đồng quản hạt. Nhóm nghị viên Pháp và Việt trong Hội đồng quản hạt Nam Kỳ đã thỏa thuận sẽ luân phiên chức nghị trưởng giữa người Pháp và người Việt theo từng năm [21]. Sau hai năm liên tiếp người Pháp làm nghị trưởng, trong phiên khai mạc kì họp Hội đồng quản hạt ngày 01 tháng 9 năm 1938, Bùi Quang Chiêu được đa số thành viên hội đồng bầu làm nghị trưởng Hội đồng quản hạt.
Đến tháng 6 năm 1939, Thượng Công Thuận cũng được bầu giữ chức ấy.[22] Dù vậy Đảng Lập Hiến không mấy chú tâm vào việc vận động quần chúng lao động mà chỉ trông vào giới trung lưu người Việt. Ưu tiên của Đảng là thỏa hiệp với chính quyền thuộc địa để đạt được tiến bộ xã hội và bình đẳng với người Pháp rồi tiến đến tự trị. Trong khi đó chính quyền thực dân địa phương thì giữ mãi thái độ trì hoãn và không thực tâm cải cách để duy trì quyền lực nên Đảng Lập Hiến bị chính quyền chi phối. Chính trường bên chính quốc Pháp cũng trở về với đường lối bảo thủ khiến Đảng Lập Hiến không đạt được cải cách gì dù là biện pháp khiêm tốn.[3] Ngoài ra các đảng viên phần đông vì là công chức lệ thuộc vào nhà cầm quyền nên không dám thoát ly hẳn với chính sách thuộc địa. Do vậy sự đấu tranh chính trị của họ bị hạn chế, không phát triển rộng khắp nơi để đi sâu vào tầng lớp bị trị.
Do tổ chức lỏng lẻo và phụ thuộc vào một vài cá nhân tiêu biểu, nội bộ Đảng Lập hiến thường diễn ra mâu thuẫn. Nguyễn Phan Long dần ngả hoạt động với giáo phái Cao Đài, làm giảm lực lượng của nhóm Lập hiến. Năm 1937 thì Nguyễn Văn Thinh lập ra Đảng Dân chủ Đông Dương, thu hút một số không nhỏ giới chuyên môn người Việt khiến ảnh hưởng của Đảng Lập hiến càng suy giảm. Trong cuộc bầu cử năm 1939, cả ba ứng cử viên của Đảng Lập hiến đều thất cử, đánh dấu thời kỳ suy thoái và mất bóng trên chính trường.[23] Và ngay trong Hội đồng Thuộc địa tại các cuộc bầu cử năm 1939, ba người phe Trotsky đã đánh bại các đối thủ phe Lập Hiến, nhưng họ bị bắt giữ ít tháng sau đó khi các nhà chức trách Pháp đàn áp những người Cộng sản.
Đến năm 1941, phe Lập Hiến không còn sức ảnh hưởng trong khung cảnh chính trị tại Sài Gòn. Việc khởi xướng phong trào đã được truyền lại cho các đảng phái khác trẻ trung hơn. Năm 1942, tờ La Tribune Indochinoise cùng với các tờ báo khác không được người Nhật chấp thuận và đã bị đóng cửa, khép lại một thời kỳ tồn tại và hoạt động của Đảng Lập Hiến Đông Dương.
Nhận xét
Vùng đất Nam Kỳ của xứ Đông Dương thuộc Pháp đã được chính quyền thuộc địa cho phép một số định chế dân chủ, gần nhất theo ý nghĩa của từ này ở phương Tây. Đảng Lập Hiến là tổ chức duy nhất có sự quan tâm thực sự đến việc phát triển các định chế này, nâng lên thành một Quốc hội có tính chất đại diện chân thực, nhằm mang lại một sự canh tân hóa dần dần cho Nam Bộ và Việt Nam. Hoạt động của Đảng Lập Hiến đã từng thu hút được khá đông người dân tham gia và ủng hộ, bởi mục tiêu nhằm mang lại quyền lợi cho dân tộc. Tuy nhiên, Đảng Lập Hiến chỉ hoạt động sôi nổi trong một thời gian ngắn rồi mờ nhạt dần do những biến động trên chính trường Nam Kỳ và do một số hạn chế nội tại của đảng này:
"Đảng Lập Hiến chưa được tổ chức như một đảng thật sự. Tuy thành phần của Đảng bao gồm những nhân vật trí thức có địa vị nổi tiếng ở Nam Kỳ lúc bấy giờ, có thể thu hút tầng lớp trí thức và dân chúng, nhưng Đảng Lập Hiến chưa có sự xác nhận rõ ràng về tư cách đảng viên và số lượng đảng viên của mình. Trong những lần bầu cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, tờ báo của Đảng Lập Hiến cổ động cho người nào, thì những người ấy được coi là đảng viên của Đảng Lập Hiến. Điều đó cho thấy Đảng Lập Hiến là một tổ chức không chặt chẽ, không có hệ thống, không có cán bộ, không có điều lệ. Đó chỉ là một tổ chức tập hợp nhau về mặt tinh thần."[24]
Mặc dù theo tên gọi thì Đảng Lập Hiến rõ thật là một chính đảng, nhưng họ chưa hoạt động như một chính đảng của dân tộc. Thứ nhất, họ chưa tuyên truyền được chủ nghĩa của mình đến đại bộ phận quần chúng, kể cả những người là thành viên thuộc Đảng Lập Hiến: “[t]hiệt trong các đảng viên Lập Hiến mà cũng còn có người chưa rõ biết cái đảng nghĩa mình ra sao, huống chi là người ở ngoài đảng, huống chi là nhứt ban dân chúng. Ấy là tại Đảng Lập Hiến chưa hề có đem cái chủ nghĩa của mình mà tuyên truyền cho công chúng biết, đối với đồng bào dường như chẳng có quan hệ chi tự thỉ chí chung”.[25] Thứ hai, hoạt động của Đảng Lập Hiến không hướng đến khối đông người lao động, chưa thu hút được đông đảo người vào đảng. Nếu coi công việc mà Đảng Lập Hiến làm thì dễ nhầm tưởng rằng đây là chính đảng của người Việt, “binh vực quyền lợi cho một bọn người An Nam” trước chính phủ Pháp. Nhưng thực sự đối với đa số dân chúng Việt Nam thời bấy giờ, Đảng Lập Hiến chẳng có liên quan. Trong quá trình hoạt động, Đảng Lập Hiến chỉ lấy một tờ báo tiếng Pháp, trước là tờ Tribune Indigène, sau đó là tờ Tribune Indochinoise, để bênh vực quyền lợi cho mình, mà không có tờ báo quốc ngữ. Điều đó khiến tổ chức của họ thiếu sự liên kết với đại đa số dân chúng Việt Nam.
Trên đường chính trị của mình, Đảng chỉ chú trọng về phương diện đối với người Pháp mà dường như bỏ quên phương diện đối với người Việt Nam; thứ ba, Đảng Lập Hiến chưa thực hiện được các kế hoạch để đạt được mục đích cuối cùng là lập hiến. Chẳng hạn, Đảng đề ra mục tiêu lấy sự giáo dục làm trọng. Tuy nhiên, An Nam Học Đường tại Phú Nhuận, công trình lớn nhất về giáo dục do Đảng lập ra, cũng chỉ tồn tại được mấy tháng thì đóng cửa. Đảng Lập Hiến đã lập ra nhiều nhà khuyến học hội ở các nơi, rất thuận tiện cho việc tuyên truyền, nhưng không được dùng đến mấy. Ngoài ra, một số quy định như: khuyến học hội diễn thuyết phải dùng tiếng Pháp; chỉ lấy các quan lại và hương chức vào hội... đã khiến các nhà hội khuyến học lập ra khắp các nơi, nhưng hữu danh vô thực.
Tóm lại, Đảng Lập Hiến thể hiện quyền lợi và khát vọng của giai cấp tư sản địa chủ miền Nam, muốn trở thành giai cấp lãnh đạo của một nước Việt Nam mới sau khi sứ mạng khai hóa (mission civilisatrice) của Pháp hoàn thành. Nhưng mục tiêu của Đảng Lập Hiến khó có thể thành hiện thực được khi đất nước còn bị thực dân Pháp đô hộ. Tuy nhiên, việc Đảng Lập Hiến công khai tranh luận và yêu cầu chính quyền thuộc địa phải sửa đổi Hiến pháp, phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ cho người Việt Nam là một thông điệp báo hiệu thời kỳ cáo chung của chế độ thuộc địa đã đến. Người dân Việt Nam sớm hay muộn sẽ giành lấy quyền tự chủ của mình, giành độc lập tự do cho đất nước, bảo vệ các quyền con người và quyền công dân của mình.
Xem thêm
Tham khảo
- ^ Trần Văn Giàu, Lược sử thành phố Hồ Chí Minh, Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1987, tr. 288.
- ^ Lại Nguyên Ân sưu tầm (2006), Tác phẩm đăng báo 1930 của Phan Khôi, Nxb. Hội Nhà văn. tr.320.
- ^ a b Carter, Jay. "A Subject Elite: The First Decade of the Contitutionalist Party in Cochinchina, 1917-1927". The Việt Nam Forum No 14, 1994. tr 212-22
- ^ Goscha, Christopher E. "Widening the Colonial Encounter: Asian Connections Inside French Indochina During the Interwar Period". Modern Asian Studies. Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2008. tr 13-4
- ^ Lessard, Micheline. "Organisons-nous! Racial Antagonism and Vietnamese Economic Nationalism in the Early Twentieth Century". French Colonial History - Vol 8. Ann Abor, MI: Michigan University Press, 2007. tr 171-201
- ^ Goscha, Christopher E. "Annam and Vietnam in the New Indochinese Space, 1887-1945". Asian Forms of the Nation. Richmond, UK: Curzon Press, 1996. tr 107
- ^ Smith, R B. "Bui Quang Chieu and the Constitutionalist Party in French Cochinchina, 1917-30". Modern Asian Studies. Cambridge, UK: Cambridge University Press, 1969. tr 131-50
- ^ Khách trú thị nhục ta. báo Lục tỉnh tân văn. 1919, tr.1
- ^ Peycam Phillippe M.F.. Làng báo Sài Gòn 1916-1930, TP.HCM: Trẻ. 2015, tr.136
- ^ Vàng là vàng của mình. Chắt chiu, bòn nhặt từng lai, từng chỉ. Nhưng đến khi được nhiều rồi, thì lại gánh đi đổ ở sông của nước khác (sông nước Ngô). Và thế là người dân nước khác (người nước Ngô) mò được, để làm giàu. Gánh vàng đi đổ sông Ngô rồi, nhưng đêm đêm vẫn mơ tưởng có thể mò lại được số vàng đó ở sông Thương (một con sông ở nước Việt). Và tất nhiên, là chỉ mò được những bùn cùng rác.
- ^ Hoạt động kinh tế của giai cấp tư sản Việt Nam đầu thế kỷ XX qua dòng báo chí kinh tế Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội. 2014, tr.65
- ^ Phụ nữ tân văn. 1930, tr.10
- ^ Tu Tan Dan. Thượng trường bại tích. Trong: Minh Tân tiểu thuyết. Sài Gòn: Phát Toán. . 1907, tr.11-14;
- ^ Nam Phong tạp chí. 1919, tr.314
- ^ R.B. Smith, 2009, tr. 4
- ^ (R.B. Smith, 2009, tr. 6-7)
- ^ R.B. Smith, 2009, tr. 8
- ^ Agathe Larcher-Goscha and Kareem James Abu-Zeid (2014), “Bùi Quang Chiêu in Calcutta (1928): The Broken Mirror of Vietnamese and Indian Nationalism”, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 9, No. 4 (Fall 2014), p. 92.
- ^ Hoàng Sơn (1935), “Về buổi Hội đồng quản hạt Nam Kỳ”, báo Ánh sáng, số 44, 26/9/ 1935, tr.1 & 4.
- ^ Xem thêm Hoàng Sơn (1935), “Về buổi Hội đồng quản hạt Nam Kỳ”, báo Ánh sáng, số 44, 26/9/ 1935, tr.1 & 4 và C.L, “Người Annam có quyền làm nghị trưởng hội đồng quản hạt không?”, Hà Thành ngọ báo, số 2434, ngày 09/10/1935, tr.1 & 6.
- ^ Công luận báo, số 7793, 01/9/1938.
- ^ Sài Gòn, số 14142, 7/6/1939
- ^ Vũ Ngự Chiêu. Các vua cuối nhà Nguyễn 1884-1945 Tập 3. Houston, TX: Văn hóa, 2000. tr 825-6
- ^ Dương Trung Quốc, 2000, tr. 116
- ^ Phan Khôi. Trung Lập, Sài Gòn, số 6187, ngày 3 tháng 7 năm 1930
|
---|
Trước 1945 | |
---|
1945– 1954 | |
---|
1954– 1975 | |
---|
1975– 1988 | |
---|
1988 đến nay | Hoạt động tự do | |
---|
Không hoạt động tự do | |
---|
|
---|