Share to: share facebook share twitter share wa share telegram print page

Chuyện nhà Mộc

Chuyện nhà Mộc
Thể loạiTâm lý xã hội
Hài hước
Định dạngPhim truyền hình
Kịch bảnĐỗ Trí Hùng
Đạo diễnTrần Lực
Diễn viênNSƯT Hải Điệp
Nguyễn Hòa
Như Trang
Chí Nghĩa
Xuân Bắc
Nhạc phim"Cô Tấm ngày nay" bởi Khánh Linh
Quốc gia Việt Nam
Ngôn ngữtiếng Việt
Số tập2
Sản xuất
Thời lượng80 phút/tập (không bao gồm quảng cáo)
Đơn vị sản xuấtTrung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam
Trình chiếu
Kênh trình chiếuĐài Truyền hình Việt Nam
Quốc gia chiếu đầu tiên Việt Nam
Phát sóng1998

Chuyện nhà Mộc (tiếng Anh: The Story of Mộc[1]) là một bộ phim truyền hình được thực hiện bởi Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam do Trần Lực làm đạo diễn. Phim phát sóng lần đầu vào năm 1998 trên kênh thuộc Đài Truyền hình Việt Nam.

Nội dung

Thấy cuộc sống của mình quá khổ cực, Ông Mộc (NSƯT Hải Điệp) bằng mọi giá muốn cho Mai (Như Trang) thi vào đại học, với hi vọng con gái mình nhờ vào tấm bằng đó mà cuộc sống sau này sẽ khá hơn. Vì vậy mà ông luôn phản đối Cường (Xuân Bắc) ve vãn con gái vì mình sẽ gây xao nhãng tới việc học. Thế nhưng, chuyện thi cử của con mình lại không đơn giản như ông tưởng...[2][3][4]

Diễn viên

  • NSƯT Hải Điệp trong vai Ông Mộc
  • Như Trang trong vai Mai
  • Nguyễn Hòa trong vai Bà Mộc
  • Chí Nghĩa trong vai Dũng
  • Xuân Bắc trong vai Cường
  • Xuân Duống trong vai Bố Cường
  • Thu Hiền trong vai Đào
  • Tuyết Liên trong vai Mẹ Đào
  • Hồng Nhung trong vai Thơm
  • Thanh Lực trong vai Mẹ Thơm
  • Quốc Tuấn trong vai Thành
  • Thanh Ngoan trong vai Vợ Thành
  • Trần Khôi trong vai Cán bộ xã
  • Ngọc Minh trong vai Tèo
  • Thanh Mạn trong vai Chị Mâm

Cùng một số diễn viên khác....

Ca khúc trong phim

Bài hát trong phim là ca khúc "Cô Tấm ngày nay" do Ngọc Châu sáng tác và Khánh Linh trình bày.[5] Nhạc sĩ Ngọc Châu đã được đạo diễn Trần Lực nhờ sáng tác ca khúc cho phim.[6] Trước đó, NSƯT Ngọc Hướng chính là người gợi ý cho Ngọc Châu để dắt em gái của mình là ca sĩ Khánh Linh đi thu âm bài hát. Tại thời điểm thu âm bài hát, Khánh Linh mới đang học lớp 10 và chưa từng được đào tạo qua trường lớp thanh nhạc nào.[7]

Sản xuất và phát sóng

Đạo diễn của bộ phim là Trần Lực,[3][8][9] với phần kịch bản do nhà biên kịch Đỗ Chí Hùng viết. Ban đầu, kịch bản vốn nặng về tính thời sự xã hội, nhưng Trần Lực đã quyết định sẽ dựng kịch bản này thành phim theo phong cách bi hài.[3][6] Chuyện nhà Mộc được coi là bộ phim đầu tiên thuộc thể loại bi hài kịch phát trên sóng VTV.[3]

Các diễn viên tham gia trong phim chủ yếu là diễn viên sân khấu lâu năm hoặc sinh viên mới tốt nghiệp các trường đào tạo diễn xuất, khác biệt với những bộ phim cùng đề tài khác khi tuyển diễn viên nghiệp dư. Dù vậy, tất cả diễn viên trong phim đều được yêu cầu phải có lối diễn hồn nhiên.[3] Ban đầu, quá trình tuyển chọn vai chính Ông Mộc cho bộ phim gặp phải khó khăn khi đạo diễn Trần Lực đã thử vai nhiều nghệ sĩ gạo cội nhưng đều không tìm được gương mặt ưng ý. Sau đó, nhờ sự gợi ý của bố Trần Lực là NSND Trần Bảng, nguyên giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, ông đã tìm đến NSƯT Hải Điệp, một diễn viên chèo, và sau đó Hải Điệp được chọn vào vai diễn này.[3][10] Các diễn viên khác trong phim như Như Trang, Xuân Bắc, Chí Nghĩa và các vai phụ khác trong phim đều được Trần Lực tuyển vai theo tiêu chí "nhân vật thế nào thì tìm diễn viên như thế".[3] Trước đó, cả hai diễn viên chính trong phim là Hải Điệp và Như Trang đều chưa từng vào vai trong tác phẩm nào và đây là vai diễn đầu tay của hai người;[11] khi được chọn vào vai chính trong phim, diễn viên Như Trang mới vừa thi đỗ thủ khoa Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.[12]

Việc ghi hình bộ phim bắt đầu sau khi mùa thi kết thúc. Thời lượng để hoàn thành một tập phim của đoàn phim khi đó chỉ mất từ 7 đến 8 ngày.[6] Bộ phim sau đó đã được phát trên sóng truyền hình lần đầu vào năm 1998. Thời điểm phim lên sóng cũng đang diễn ra mùa giải World Cup 1998. Bộ phim, với thời lượng dài hai tập, đã được chiếu đi chiếu lại trong các khung giờ xen kẽ giữa hai trận đấu của giải vào lúc nửa đêm thay vì phát lại các chương trình ca nhạc quốc tế mà nhà đài khi đó thường làm.[3][5]

Đón nhận

Tại thời điểm phát sóng, Chuyện nhà Mộc đã được đông đảo khán giả yêu mến vì cốt truyện chân thực cùng diễn xuất mộc mạc của dàn diễn viên chính.[2][3][12] Thậm chí, dù đã phát lại nhiều lần, bộ phim vẫn có nhiều khán giả theo dõi và cười theo chuyện phim. Ban đầu, vì chiếu vào lúc nửa đêm nên chỉ có khán giả nam theo dõi bộ phim. Tuy nhiên nhiều phụ nữ, đa số là các bà vợ, đã thức khuya để cùng xem phim, khiến phim khi đó được xem như phát sóng trong khung giờ vàng.[3][13] Tác phẩm sau đó cũng nhận giải "Cù nèo vàng" bởi báo Tuổi Trẻ Cười.[6]

Sau khi bộ phim phát sóng, diễn viên Như Trang đã được biết đến rộng rãi và còn có người nhận ra khi đang đi trên đường đến bắt tay.[6][14] Dù chỉ đóng vai trò phụ trong phim nhưng nhân vật do diễn viên Xuân Bắc thủ vai lúc đó đã tạo thiện cảm cho người xem vì lối diễn xuất tự nhiên, duyên dáng.[12] Phần nhạc phim cũng gây được sự chú ý vì "giai điệu vui tươi cùng ca từ ý nghĩa" và giúp tên tuổi của Khánh Linh trở nên nổi tiếng.[5][12][15] Chính cô đã biểu diễn lại bài hát trong chương trình truyền hình "Câu lạc bộ bạn yêu nhạc", tổ chức tại Rạp xiếc Trung ương. Ca khúc sau này được coi là bước ngoặt khiến ca sĩ Khánh Linh quyết định theo đuổi con đường âm nhạc và thi vào Học Viện Âm Nhạc Quốc gia Việt Nam.[7]

Bài viết của báo VietNamNet năm 2018 đã đánh giá bộ phim "mô tả chân thực câu chuyện về những sĩ tử tỉnh lẻ “khăn gói quả mướp” lên thành phố luyện thi đại học" những năm trước khi Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng bị xóa bỏ và thay thế bằng Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.[3] Tiến sĩ Nguyễn Thu Giang trong cuốn sách Television in Post-Reform Vietnam: Nation, Media, Market xuất bản vào năm 2018 cũng liệt kê phim cùng với những bộ phim khác được phát trên đài truyền hình quốc gia cuối những năm thập niên 1990, 2000 là một phần tuổi thơ của nhiều thế hệ người xem và mang tính hoài niệm cao.[1]

Tham khảo

  1. ^ a b Nguyễn Thu Giang (2018). Television in Post-Reform Vietnam: Nation, Media, Market (bằng tiếng Anh). Routledge. OCLC 1156994607. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  2. ^ a b “Điểm danh những bộ phim truyền hình Việt từng "đình đám' một thời”. Báo điện tử VTV. 7 tháng 5 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  3. ^ a b c d e f g h i j k 'Chuyện nhà Mộc' và khát vọng từ 'lò luyện thi đại học' sau 20 năm”. VietNamNet. 19 tháng 5 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  4. ^ “Thân thương 2 tiếng "gia đình" trên màn ảnh Việt”. Gia đình.net.vn. Sức khỏe và Đời sống. 28 tháng 6 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  5. ^ a b c Thu Hà (4 tháng 6 năm 2005). “Họa mi Khánh Linh”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  6. ^ a b c d e TUYETMINH (1 tháng 10 năm 2006). "Chuyện nhà Mộc": ngày ấy và bây giờ”. Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  7. ^ a b Thanh Tuyền (18 tháng 3 năm 2022). “Chuyện ít biết về ca khúc Cô Tấm ngày nay của Ngọc Châu”. Khoa học và Đời Sống. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  8. ^ Minh Khuê (14 tháng 5 năm 2019). “Phim đề tài gia đình khởi sắc trở lại”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  9. ^ Phan Bích Hà (2003). Hiện thực thứ hai. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. OCLC 62394229. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  10. ^ Di Ca (20 tháng 4 năm 2016). “Dàn diễn viên phim 'Chuyện nhà Mộc' sau 18 năm”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  11. ^ 'Bố con nhà Mộc' tái ngộ khán giả truyền hình sau 17 năm”. Báo điện tử VTV. 1 tháng 11 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  12. ^ a b c d Băng Châu, Thủy Tiên (5 tháng 4 năm 2017). “Nhìn lại dàn diễn viên "Chuyện nhà Mộc" sau gần 20 năm”. Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  13. ^ Trung Dũng (5 tháng 7 năm 2014). "Chuyện nhà Mộc" phiên bản 2014”. Bóng đá Plus. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  14. ^ Hà Phương (19 tháng 5 năm 2018). “Cuộc sống không ồn ào của nữ chính phim "Chuyện nhà Mộc" sau 20 năm”. Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.
  15. ^ K.N (28 tháng 8 năm 2015). “Diễn viên Chí Nghĩa của "Chuyện nhà Mộc" bây giờ ra sao?”. Gia đình.net.vn. Sức khỏe và Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2022.

Liên kết ngoài

Kembali kehalaman sebelumnya