Share to: share facebook share twitter share wa share telegram print page

Cung Trầm Tưởng

Cung Trầm Tưởng (1932 - 9 Tháng Mười, 2022), tên thật là Cung Thức Cần, là một nhà thơ hiện đại Việt Nam sau định cư ở Hoa Kỳ.

Tiểu sử

Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi (1947), ông bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là Sóng đầu dòng (chưa in).

Năm 1949, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, học tiếp trung học tại trường Chasseloup Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp du học tại Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence.

Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong năm này, hai bài thơ của ông là "Mùa thu Paris" và "Vô đề" (thơ trường thiên) xuất hiện trong tuyển tập Đất đứng của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc chú ý.

Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn nghệ mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành...

Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của ông, đó là những bài "Mùa thu Paris", "Chưa bao giờ buồn thế" [2] (Phạm Duy gộp lại và lấy tên là "Tiễn em", "Bên ni bên nớ", "Khoác kín" (Phạm Duy lấy tên "Chiều đông"), "Kiếp sau", "Về đây"...[1] Tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình ca của ông thì 6 bài Phạm Duy chọn phổ nhạc.[2]

Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu Tiến sĩ khí tượng học tại Đại học Saint Louis. Sau đó, ông trở về Sài Gòn tiếp tục làm trong binh chủng Không quân Việt Nam Cộng hòa với cấp bực cuối cùng là Trung tá (1975). Dưới chế độ cộng sản, ông bị bắt đưa đi cải tạo 10 năm[3] trong 8 trại giam và thả về với thêm 3 năm quản chế.[2]

Năm 1993, ông sang Hoa Kỳ định cư ở Eagan, tiểu bang Minnesota. Ông mất ngày 9 Tháng Mười, 2022 tại Saint Paul, Minnesota, thọ 90 tuổi.[4]

Tác phẩm

Tác phẩm của Cung Trầm Tưởng đã in:

  • Tình ca (Sài Gòn: Công đàn, 1959)
  • Lục bát Cung Trầm Tưởng (Sài Gòn: Con đuông, 1970)
  • Lời viết hai tay thơ tù cải tạo (Bonn: Imn, 1994)
  • Bài ca níu quan tài thơ tù cải tạo (tác giả tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 2001)
  • Một hành trình thơ (Falls Church, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2012)[5]

Theo nhà nghiên cứu T. Khuê thì thơ Cung Trầm Tưởng thường có giọng buồn. Nhưng là giọng buồn nguyên thủy, gợi nỗi cô đơn hiện sinh, khi con người nhận thức lại chính mình...[6]

Thơ Cung Trầm Tưởng

Trích giới thiệu:

Mùa thu Paris
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
...
Mùa thu nơi đâu ?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời...
Chưa bao giờ buồn thế
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Hôn nhau phút này rồi
Chia tay nhau tức khắc
Khóc đi em, khóc đi em
Hỡi người yêu xóm học
Để sương thấm bờ đêm
Đường anh đi tràn ngập lệ buồn em...
Vạn vạn lý (Tưởng nhớ những tù hùng tuẫn tử)
Ngồi trùm lần bóng tối
Nhìn mây đi lang thang
Mây giăng xám hàng hàng:
Trời vào đông ảm đạm
Chấn song đan u ám
Sần sùi nhớp nhúa đen
Ran ran nhạc dế mèn
Nhởn nhơ cười chẫu chuộc
Vỗ vỗ rơi tàn thuốc
Phà khói vào hơi sương
Xa xưa... trống lên đường
Tiếng quân hô hào sảng
...
Mưa về gióng lê thê
Nai kêu nguồn đâu đó
Xưa nay tù ngục đỏ
Mấy ai đã trở về?
...
Cõi sầu ta tinh khiết
Thép quắc vầng trán cao
Phong sương dệt chiến bào
Với máu xe làm chỉ
Đã đi trăm hùng vĩ
Xông pha lắm đoạn trường
Về làm đá hoa cương
Gửi đời sau tạc tượng
...
Gió về lay lau dậy
Sơn khê khói mịt mù
Ngà ngà nhấp thiên thu
Bay... bay... vạn vạn
Tráng sĩ hề tráng sĩ!

Chú thích

  1. ^ Xem website của nhạc sĩ Phạm Duy [1] Lưu trữ 2010-07-12 tại Wayback Machine.
  2. ^ a b "Lục bát Cung Trầm Tưởng". Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2014.
  3. ^ "Thi sĩ Cung Trầm Tưởng". Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2014.
  4. ^ "Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả ‘Mùa Thu Paris,’ qua đời ở tuổi 90"
  5. ^ "Ra mắt sách Một hành trình thơ của Cung Trầm Tưởng ở Virginia". Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2014.
  6. ^ Từ điển văn học (bộ mới), tr. 334.

Sách tham khảo

  • T. Khuê, mục từ Cung Trầm Tưởng trong Từ điển văn học (bộ mới, tr. 334). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
Kembali kehalaman sebelumnya