Share to: share facebook share twitter share wa share telegram print page

Gò Dầu

Gò Dầu
Huyện
Huyện Gò Dầu
Khu công nghiệp Phước Đông thuộc huyện Gò Dầu.
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐông Nam Bộ
TỉnhTây Ninh
Huyện lỵThị trấn Gò Dầu
Trụ sở UBNDĐường Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Gò Dầu
Phân chia hành chính1 thị trấn, 8 xã
Thành lập1948
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDNguyễn Văn Nhu
Chủ tịch HĐNDNguyễn Thị Thanh Nhàn
Bí thư Huyện ủyHuỳnh Thanh Phương
Địa lý
Tọa độ: 11°09′B 106°14′Đ / 11,15°B 106,24°Đ / 11.15; 106.24
MapBản đồ huyện Gò Dầu
Gò Dầu trên bản đồ Việt Nam
Gò Dầu
Gò Dầu
Vị trí huyện Gò Dầu trên bản đồ Việt Nam
Diện tích260 km²
Dân số (2019)
Tổng cộng152.757 người[1]
Thành thị23.970 người (16%)
Nông thôn128.787 người (84%)
Mật độ588 người/km²
Khác
Mã hành chính710[2]
Biển số xe70-F1-F2
Số điện thoại0276.3.853.808
Số fax0276.3.855.805
Websitegodau.tayninh.gov.vn

Gò Dầu là một huyện nằm ở phía nam tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.

Địa lý

Huyện Gò Dầu nằm ở phía nam của tỉnh Tây Ninh, có vị trí địa lý:

Huyện Gò Dầu có diện tích 260 km², dân số năm 2019 là 152.757 người[1], mật độ dân số đạt 588 người/km².

Tài nguyên đất

Huyện Gò Dầu là huyện đồng bằng với 2 dạng địa hình chính: dạng gò đồi đất xám có độ cao dao động từ 10m đến hơn 30m chiếm 65% diện tích, thích hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Vùng này có những chòm rừng nhỏ tạo thành vùng căn cứ liên hoàn giữa các xã. Trong kháng chiến bảo vệ tổ quốc, vùng đất này là một địa điểm rất thuận lợi cho phong trào cách mạng. Dạng địa hình bưng bàu trũng chiếm hơn 1/3 diện tích, nằm ven sông Vàm Cỏ Đông và các con rạch, đất phù sa màu mỡ, thích hợp với cây lúa.

Sông ngòi

Gò Dầu có một sông lớn chảy ngang qua và nhiều rạch nhỏ. Sông Vàm Cỏ Đông vào địa phận Gò Dầu tại xã Cẩm Giang và chảy theo rìa phía tây các xã Thạnh Đức, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Thị trấn, Thanh Phước trước khi chảy qua thị xã Trảng Bàng về Long An. Các chi lưu sông Vàm Cỏ Đông: rạch Bàu Nâu, rạch Đá Hàng, rạch Nho, suối Cá Nần, suối Bà Tươi,... nhỏ hẹp, vừa là đường thủy nối sông lớn với nhiều vùng đất, vừa làm ranh giới tự nhiên cho một số xã trong huyện. Sông Vàm Cỏ Đông và các chi lưu thường xuyên có nước chảy đều đặn, vừa đảm bảo cho thuyền ghe lưu thông được quanh năm, vừa là môi trường tốt cho các loài thủy hải sản sinh sôi nảy nở. Bên cạnh đó, Gò Dầu còn có hàng chục km kênh, mương nằm trong hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng chảy về các xã phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hành chính

Huyện Gò Dầu có 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Gò Dầu (huyện lỵ) và 8 xã: Bàu Đồn, Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Đông, Phước Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Thanh Phước.

Lịch sử

Nguồn gốc tên gọi

Trước thế kỷ XVII, vùng đất huyện Gò Dầu ngày nay còn hoang vu, nhiều rừng rậm và thú dữ. Vào giữa thế kỉ XVII, một bộ phận dân cư các tỉnh miền Trung vào nam lập nghiệp. Họ dừng chân ở một vùng đất gò có nhiều cây dầu, cạnh sông Vàm Cỏ Đông, tên gọi "Gò Dầu" có từ đó.

Lịch sử hành chính

Gò Dầu vốn là một tổng của quận Trảng Bàng với tên gọi là tổng Mỹ Ninh.

Năm 1948, quận Gò Dầu Hạ được thành lập, sau đó giải thể, rồi được lập lại; quận lỵ đặt tại xã Thanh Phước.

Năm 1959, chính quyền Sài Gòn chia quận Gò Dầu Hạ thành hai quận: Hiếu Thiện và Khiêm Hanh. Quận Hiếu Thiện có quận lỵ tại Gò Dầu Hạ, gồm 3 tổng: Mỹ Ninh, Giai Hoá, Triêm Hoá và được chia thành 15 xã. Quận Khiêm Hanh có quận lỵ tại Bàu Đồn, có 1 tổng là Thạnh Bình và được chia thành 5 xã.

Về phía chính quyền cách mạng, sau Hiệp định Giơnevơ, đầu năm 1955, một phần đất phía bắc huyện Trảng Bàng được tách ra để thành lập huyện Gò Dầu.

Cuối năm 1959, tách phần đất phía tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Gò Dầu để thành lập huyện Bến Cầu.

Năm 1960, huyện Gò Dầu lại nhập vào huyện Trảng Bàng và đến cuối năm 1961 lại tách ra.

Năm 1963, tách một phần diện tích và dân số của xã Thanh Phước để thành lập thị trấn Gò Dầu.[3]

Sau năm 1975, huyện Gò Dầu bao gồm thị trấn Gò Dầu và 7 xã: Bàu Đồn, Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Thanh Phước.

Ngày 26 tháng 9 năm 1981, thành lập xã Phước Đông từ ấp Phước Đức của xã Phước Thạnh và các ấp Cây Trắc, Suối Cao của xã Thanh Phước.[4]

Huyện Gò Dầu có 1 thị trấn và 8 xã như hiện nay.

Kinh tế

Nông nghiệp

Huyện có vùng trồng lúa tập trung quanh sông Vàm Cỏ Đông, bên cạnh đó còn hình thành nên những vùng chuyên canh cao su, đậu phộng. Đất đai bạc màu, chủ yếu là nhóm đất phèn, đất xám.

Công nghiệp

Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời trên địa bàn xã Phước Đông.

Văn hóa

Tôn giáo

Gò Dầu có ba tôn giáo lớn: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài.

Di tích

  • Cẩm Phong tự
  • Miếu thờ Huỳnh Công Thắng.
  • Đình Cẩm An
  • Chùa Cao Sơn
  • Chùa Thạnh Lâm
  • Đình Thanh Phước
  • Đình làng Thạnh Đức.

Giao thông

Đường Xuyên Áquốc lộ 22B đi ngang qua các xã Thanh Phước, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Cẩm Giang và Thị trấn Gò Dầu. Thị trấn Gò Dầu là nơi giao nhau giữa đường Xuyên Á và quốc lộ 22B, là trung tâm của vùng phía Nam tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang qua huyện, là đường ranh giới chung giữa huyện Gò Dầu và Bến Cầu.

Huyện Gò Dầu có bến xe buýt với các tuyến: Thành phố Hồ Chí Minh - Gò Dầu, Gò Dầu - Thị xã Tây Ninh (Hiện hai tuyến này đã gộp lại thành một tuyến đó là: Củ Chi - Gò Dầu - Thành phố Tây Ninh), Gò Dầu - Mộc Bài.

Đường Quốc lộ 22A từ Thành phố Hồ Chí Minh lên phía bắc vào địa phận Gò Dầu tại cầu Rỗng Tượng, đến ngã ba thị trấn Gò Dầu rẽ sang phía tây qua huyện Bến Cầu thẳng tới biên giới Việt Nam – Campuchia với chiều dài ngang qua huyện là 6 km. Quốc lộ 22B từ ngã ba Gò Dầu đi lên phía bắc gặp huyện Hoà Thành dài 22 km rồi đến thành phố Tây Ninh. Đường tỉnh 782 dài 19 km từ Trảng Bàng đến ranh giới Gò Dầu, đường tỉnh 784 lên Truông Mít thuộc huyện Dương Minh Châu. Ngoài ra, các đường liên huyện như: đường 253 từ thị trấn Gò Dầu đến xã Phước Đông, đường 239 nối Thạnh Đức với đường tỉnh 784.[5]

Chú thích

  1. ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Tây Ninh”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2020.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ “Làng xưa Thanh Phước”. Báo Tây Ninh điện tử. 10 tháng 5 năm 2017.
  4. ^ “Quyết định 93-HĐBT năm 1981 về việc phân vạch địa giới một số xã thuộc tỉnh Tây Ninh”.
  5. ^ Giới thiệu chung về huyện Gò Dầu

Tham khảo

Kembali kehalaman sebelumnya