Gậy như ý (chữ Hán: 如意金箍棒; Hán Việt: Như ý kim cô bổng), hay gậy kim cô hoặc gậy như ý kim cô, còn được biết đến là cây thiết bảng, là cây gậy thần thông mà Tôn Ngộ Không sử dụng trong cuốn tiểu thuyết Tây du kýcủa Ngô Thừa Ân.[1][2]
Nguồn gốc và mô tả chung
Cây gậy lần đầu tiên xuất hiện trong chương thứ ba. Khi đó Tôn Ngộ Không xuống dưới thủy cung của Đông hải long vương Ngao Quảng để tìm kiếm một thứ vũ khí phù hợp với sức mạnh của Ngộ Không. Sau khi tất cả mọi thứ thần binh như kiếm, giáo và kích nặng hàng ngàn cân không thể làm thỏa mãn Vua Khỉ, vợ của Long vương liền bảo ông đưa cho con khỉ thử một cột sắt thần bỏ không ở dưới đáy biển. Bà cho rằng cột sắt này ngày trước từng tỏa ra hào quang, có lẽ là định mệnh là dành riêng cho con khỉ đó. Truyện không giải thích cột trụ được tạo ra sao mà chỉ biết rằng nó từng được Đại Vũ sử dụng để trị thủy khi xưa.[3] Nguyên bản gọi là "Định hải thần trân" (定海神珍), các bản về sau sửa thành "Định hải thần châm" (定海神針).
Cây gậy ban đầu được mô tả là một trụ sắt dài hơn hai trượng, rộng cả ôm.[4] Chỉ khi con khỉ nâng lên và cho rằng cây gậy cần phải nhỏ hơn thì cây gậy liền theo ý nó mà thu bé lại. Thứ vũ khí này được bịt vàng ở hai đầu cùng dòng chữ dọc thân gậy ghi "Như ý kim cô bổng. Nặng một vạn ba ngàn năm trăm cân"[5] (如意金箍棒一萬三千五百斤). Những dòng chữ cho thấy rằng cây gậy này tuân theo lệnh của chủ nhân sở hữu nó, có thể thu nhỏ hoặc phóng to tùy thích, tạo ra bản sao của chính nó, và vô cùng nặng.
Khi không sử dụng Ngộ Không thu bé cây gậy lại bằng kích thước của một cây kim và giấu đằng sau tai của mình.
Ảnh hưởng/sử dụng trong các phương tiện truyền thông
Cây gậy là hình mẫu cho vũ khí Son Goku (nhân vật lấy tên và cảm hứng từ Tôn Ngộ Không) sử dụng,[6] trong bộ manga và anime Bảy viên ngọc rồng cũng như các sản phẩm liên quan. Vũ khí của Goku có tên là "Nyoi Bō", phiên âm tiếng Nhật của gậy như ý (如意棒), và thường được gọi là "Power Pole" trong phiên bản Dragon Ball tiếng Anh.[7] Ông nội Gohan, thầy dạy võ của Goku, là người trao cho cậu cây gậy này.[8] Sau khi Goku dùng cây gậy để nối đỉnh của Tháp Karin với đáy của Thần điện để có thể đi lên trên gặp Thượng đế (nửa thiện của Piccolo), cậu không còn dùng gậy để chiến đấu nữa.
Nhân vật Enma trong Naruto, người cũng được tạo hình dựa theo Ngộ Không, có thể biến thành một cây gậy có thể thay đổi kích thước.[9]
Trong manga Mahō Sensei Negima!, Pháp sư Negi Magi trao cho Kū Fei bảo bối "Shintetsu Jizaikon", một vật có thể tự thay đổi kích thước.[10]
Gậy như ý được đề cập đến trong tập "And the Broken Staff" của phim The Librarians như là một trong những cây gậy bị thất lạc.[11]
Gậy như ý và gậy kim cô là tên được dùng cho côn nhị khúc của Tôn Ngộ Không trong anime RWBY.
Bikou trong Highschool DXD, một truyền nhân của Tôn Ngộ Không, cũng sử dụng Như ý kim cô bổng.
Tham khảo
^Ngô Thừa Ân, và Anthony C. Yu. The Journey to the West (Tập 1). Chicago, Illinois: Nhà xuất bản Đại học Chicago, 2012, tr. 104
^Ngô Thừa Ân, và W.J.F. Jenner. Journey to the West (Tập 1). [S.l.]: Foreign Languages Press, 2001, tr. 56.
^Bản dịch ít chính xác hơn của W.J.F. Jenner nói rằng cây gậy dùng để sắp xếp lại trật tự của Vũ trụ (Ngô và Jenner, Journey to the West (Tập 1), tr. 55).
^Cả bản dịch Thuỵ Đình và bản dịch Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh đều dịch là "to bằng cái đấu".
- Tây du ký, Thuỵ Đình dịch, hồi 3
- Tây du ký, Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh dịch, Nhà xuất bản Văn học, Tập I, 2015, hồi 3, tr.69
^Một cân thời Minh bằng 590 gam (Elvin, Mark. The Retreat of the Elephants: An Environmental History of China. New Haven (Conn.): Yale university press, 2004, tr. 491 n. 133).
^West, Mark I. The Japanification of Children's Popular Culture: From Godzilla to Miyazaki. Lanham: Scarecrow Press, 2009, tr. 203.
^Camp, Brian, and Julie Davis. Anime Classics Zettai!: 100 Must-See Japanese Animation Masterpieces. Berkeley, Calif: Stone Bridge Press, 2007, tr. 112.
^Toriyama, Akira, and Gerard Jones. Dragon Ball (Vol. 2). San Francisco, Calif: Viz LLC, 2003, 4.