Share to: share facebook share twitter share wa share telegram print page

Hàn Giang Nhạn

Hàn Giang Nhạn
Sinh1909
Thái Nguyên
Mất1981
Nghề nghiệpDịch giả

Hàn Giang Nhạn (1909 – 1981) là một dịch giả người Việt Nam. Ông nổi tiếng trong thể loại truyện võ hiệp, được nhiều người ca ngợi là nhà dịch truyện Kim Dung tài tình nhất[1][2]. Ông còn có bút danh Thứ LangVô Danh Khách.

Cuộc đời và sự nghiệp

Ông tên thật Bùi Xuân Trang, sinh ngày 19 tháng 3 năm Kỷ Dậu (tức 8 tháng 5 năm 1909) tại Thái Bình. Thuở nhỏ, thể tạng ông rất ốm yếu. Năm lên 9 tuổi, ông bắt đầu được học chữ Hán với chú họ, học quốc ngữ với cha, học tiếng Pháp với chú ruột.

Năm 1931, ông được bổ dạy trường Mạc Phả, huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ. Tháng 9 năm 1930 ông đổi sang dạy trường Thạch Cáp, phủ Lâm Thao. Năm 1931 ông được chuyển về trường Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình.

Năm 1936, ông đậu được bằng Thổ Ngữ tiếng Thái. Chiến tranh Trung - Nhật xảy ra, ông xin chuyển về vùng trung du dạy ở phường Phương Lung, phủ Kiến Thụy tỉnh Kiến An, sau đó được chuyển về dạy ở quê nhà Thái Bình.

Năm 1948 ông về Hải Phòng, làm việc ở sở Công chánh. Năm 1954, ông dẫn gia đình vào Sài Gòn, vẫn làm việc bên ngành Công chánh.

Năm 1957, ông về dạy học tại trường Trần Lục, Tân Định. Từ đây đến cuối đời, ông dịch sách. Ông nhận dịch sách cho nha Tu thư, sở Học liệu của Bộ Giáo dục Việt Nam cộng hòa. Bộ sách đầu tiên ông dịch là Thiên Long Bát Bộ, sau đó là Hiệp khách hành, Liên thành quyết, Thư kiếm ân cừu lục, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký... Ngoài sách của Kim Dung ông còn dịch của các nhà văn khác như Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Cổ Long, và sáng tác một số tiểu thuyết võ hiệp.

Năm 1981, ông qua đời, hưởng thọ 72 tuổi.

Bút danh

Sinh thời, Bùi Xuân Trang sử dụng 3 bút danh. Bút danh Thứ Lang ký vào các tác phẩm dịch văn chương, khảo cứu, học thuật, lịch sử. Bút danh Vô Danh Khách để ký vào các tác phẩm dịch truyện hài hước hoặc các bài ngắn. Bút danh Hàn Giang Nhạn để chuyên dịch những tác phẩm võ hiệp của Kim Dung và một số tác giả khác.

Nổi danh nhất là bút danh Hàn Giang Nhạn, xuất hiện năm 1963, khi những tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung mới du nhập vào Sài Gòn thông qua tờ Minh báo Hồng Kông. Theo nhà văn Vũ Đức Sao Biển, Bùi Xuân Trang lấy bút danh này vì trong tử vi của ông có câu "Nhạn quá hàn giang cách". Vốn là người gốc Bắc, di cư về phương Nam là vùng có khí hậu quanh năm ấm áp, ông tự ví mình như con chim nhạn thiên di về phương Nam khi mùa đông đến nên lấy luôn bút danh Hàn Giang Nhạn.

Dịch thuật, sáng tác

Trước 1975, Hàn Giang Nhạn là một trong những dịch giả truyện võ hiệp được yêu thích ở Việt Nam. Ông dịch nhiều sách trong đó nổi bật là các truyện của Kim Dung; ông đã dịch 7 bộ: Thư kiếm ân cừu lục, Lãnh nguyệt bảo đao (tức Phi Hồ ngoại truyện), Thiên Long Bát Bộ, Tố tâm kiếm (tức Liên thành quyết), Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký của tác giả này. Bản dịch Kim Dung của ông được đánh giá là tự nhiên phóng khoáng, mang hồn tính võ hiệp thơ mộng. Một số đoạn văn vần trong truyện được dịch sang tiếng Việt được đánh giá cao, như đoạn mở đầu của Tiếu ngạo giang hồ:

Gió xuân đầm ấm, ngàn liễu xanh tươi,
hoa phô sắc thắm, hương nức lòng người;

hay bài thơ "Khiển hoài" của Đỗ Mục đời Đường được dịch trong Lộc Đỉnh ký:

Lưu lạc Giang Nam đã bấy lâu
Cùng người nhỏ bé ở bên nhau
Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng
Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu

Ngoài dịch Kim Dung, ông còn dịch sách của các tác giả võ hiệp khác và các tác phẩm ở thể loại khác, trong đó có bộ Truyền kỳ mạn lục tân biên của Nguyễn Tự.

Ông còn tự mình viết một số tiểu thuyết võ hiệp: Hồng bào quái nhân, Đoạn hồn tuyệt cung, Độc cô quái khách, Ngũ âm phụng kiếm.

Tham khảo - chú thích

  1. ^ “Bài viết về nền dịch thuật miền Nam trước 1975”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2008.
  2. ^ Kim Dung giữa đời tôi quyển kết - Vũ Đức Sao Biển, phần giới thiệu dịch giả Hàn Giang Nhạn
  • Vũ Đức Sao Biển, "Dịch giả Hàn Giang Nhạn", trong Kim Dung giữa đời tôi. Quyển kết - Thanh kiếm & cây đàn, Thành phố Hồ Chí Minh:Nhà xuất bản Trẻ, 2000, tr.95-99.
Kembali kehalaman sebelumnya