Lớp tàu sân bay Majestic bao gồm sáu tàu sân bay hạng nhẹ được chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Anh vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới thứ hai. Do chiến tranh kết thúc, việc chế tạo chúng được tạm ngừng, không có chiếc nào phục vụ cho Hải quân Anh, và chúng chỉ được hoàn tất để bán và phục vụ cùng Australia, Canada và Ấn Độ.
Thiết kế
Lớp tàu sân bay Majestic được xem như một phiên bản cải biến của lớp Colossus, bao gồm nhiều cải tiến trong thiết kế sàn đáp và tiện nghi sinh hoạt.[1] Các tàu sân bay thuộc lớp Colossus và Majestic hầu như tương tự về thiết kế thân tàu và cả hai đều được xem là lớp phụ của chương trình "Thiết kế 1942" về tàu sân bay hạng nhẹ.[2] Những tàu sân bay này được dự tính như những tàu chiến "dùng-và-bỏ", chỉ hoạt động trong Thế Chiến II và sẽ được tháo dỡ sau khi chiến tranh kết thúc hoặc sau ba năm phục vụ.[3]
Hercules cũng được nâng cấp tương tự như Majestic/Melbourne và được bán cho Hải quân Ấn Độ vào năm 1957, được đổi tên thành INS Vikrant và đưa ra hoạt động vào năm 1961.
Leviathan là chiếc duy nhất trong lớp không được hoàn tất. Vào năm 1968, các nồi hơi của nó được tháo dỡ để sử dụng vào việc sửa chữa những nồi hơi bị phá hủy trong một đám cháy trên tàu ARA Veinticinco de Mayo, một tàu sân bay thuộc lớp Colossus sở hữu bởi Hải quân Argentine. Nó bị tháo dỡ vào cuối năm đó.
Lịch sử hoạt động
HMS Hercules (R49) được hạ thủy vào năm 1945, nhưng bị bỏ mặc trong 10 năm cho đến khi được Ấn Độ mua lại. Nó được đưa vào phục vụ cùng Hải quân Ấn Độ vào năm 1961 dưới tên gọi INS Vikrant. Được cho ngừng hoạt động vào năm 1997 và chuyển thành một tàu bảo tàng, Vikrant là chiếc tàu sân bay thời Đệ Nhị thế chiến do Anh Quốc chế tạo duy nhất được bảo tồn sau khi ngừng hoạt động.
HMS Leviathan (R97) được hạ thủy vào năm 1945, nhưng không bao giờ được hoàn tất hay hoạt động. Những nồi hơi của nó được tháo dỡ để sửa chữa chiếc ARA Veinticinco de Mayo vào năm 1968, và nó bị tháo dỡ vào cuối năm đó.
HMS Majestic (R77) được hạ thủy vào năm 1945, và được bán cho Australia vào năm 1947. Majestic được nâng cấp đáng kể, và là chiếc tàu sân bay thứ ba trên thế giới được chế tạo với một sàn đáp chéo góc và máy phóng hơi nước.[7] Con tàu được đặt lại tên là HMAS Melbourne (R21) và được đưa ra hoạt động vào năm 1955. Trong suốt cuộc đời phục vụ, Melbourne chỉ có những hoạt động thứ yếu không chiến đấu trong các cuộc xung đột trong khu vực, nhưng lại vướng vào hai tai nạn lớn trong thời bình, khi va chạm và làm chìm chiếc HMAS Voyager vào năm 1964 và USS Frank E. Evans vào năm 1969. Nó được cho ngừng hoạt động vào năm 1982, và được bán sang Trung Quốc để tháo dỡ vào năm 1985. Thay vì tháo dỡ ngay Melbourne, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã giữ lại nghiên cứu con tàu và sử dụng nó vào việc huấn luyện phi công.
HMS Powerful (R95) được hạ thủy vào năm 1945, và được Canada mua lại vào năm 1952 để được nâng cấp lên tiêu chuẩn tương đương như với chiếc Majestic. Nó được đổi tên thành HMCS Bonaventure (CVL 22) và đưa vào phục vụ cùng Hải quân Hoàng gia Canada vào tháng 1 năm 1957 để thay thế cho chiếc tàu chị em Magnificent vốn được hoán đổi với tàu sân bay HMCS Warrior thuộc lớp Colossus vào năm 1948. Nó được cho ngừng hoạt động vào năm 1970, và đến năm 1971 được bán sang Đài Loan để tháo dỡ.