Share to: share facebook share twitter share wa share telegram print page

Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc

Lực lượng MACV-SOG mặc đồng phục khó phân biệt, nhưng đây là phù hiệu không chính thức của họ.

Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc (tiếng Anh: The Sacred Sword of the Patriots League, viết tắt MTGTAQ) là chiến dịch đen kéo dài bắt nguồn từ CIA và được Bộ Tư lệnh Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam – Đoàn Nghiên cứu và Quan sát (MACV-SOG) tiến hành trong chiến tranh Việt Nam. Nó liên quan đến sự kết hợp giữa tâm lý chiến (PSYWAR) và chiến dịch tâm lý (PSYOP) mà nay gọi là hoạt động hỗ trợ thông tin quân sự (MISO).

Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc được "lên kế hoạch và thực thi bắt đầu từ tháng 4 năm 1963," mặc dù nó vẫn tiếp tục phát triển cho đến tận năm 1968.[1] Mặt trận này hình thành nên trung tâm của nhiều PSYOP khác nhau nhằm chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vốn có mật danh là Humidor.[2] Nó cố gắng thuyết phục người dân—và đôi khi là chính phủ—Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về sự tồn tại của một xã hội tự trị, phi cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Việc tạo dựng và ban hành "huyền thoại" Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc đòi hỏi Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ xây dựng dựa trên các kỹ thuật PSYWAR do Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) thiết lập trong Thế chiến thứ hai.

Một số nhà sử học tin rằng MTGTAQ đã tìm cách chuyển hướng sự chú ý của các quan chức Bắc Việt đủ để biện minh cho chi phí và nhân lực của mình. Tuy nhiên, chương trình này không được biết đến với bất kỳ thành công đặc biệt đáng chú ý nào và nó thiếu định hướng về các mục tiêu cuối cùng. Những bất đồng liên tục giữa một số nhà lãnh đạo quân sự ở Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách ở Washington đã khiến chương trình này không bao giờ trở thành một lực lượng phản cách mạng thực sự ở miền Bắc Việt Nam. Nó gần như bị giải tán vào năm 1968 sau vòng đàm phán ban đầu về Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973.

Nguồn gốc

Tiền lệ lịch sử của Mỹ

MTGTAQ rút ra từ lịch sử ngắn ngủi về những vụ lừa dối phức tạp trong lịch sử quân sự Mỹ. Nhà sử học John Plaster khẳng định rằng chi nhánh MACV-SOG điều hành MTGTAQ "theo khuôn mẫu của "Ban Chiến dịch Tinh thần OSS" cũ do William Donavan thành lập vào năm 1943.[3] Sự so sánh này là phù hợp, vì cả hai đều chủ yếu dựa vào các hoạt động vô tuyến gian dối, những lá thư lừa bịp và việc phân phát truyền đơn. MTGTAQ cũng được hưởng lợi từ kinh nghiệm của Herbert Weisshart vừa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc PSYOP thuộc MACV-SOG khi mới thành lập. Không giống như hầu hết các chỉ huy SOG, Weisshart đến với kinh nghiệm PSYOP. "Là thành viên của đội chiến tranh tâm lý gồm sáu người được cử đến Đài Loan vào năm 1952, ông ấy đóng vai trò điều phối việc thả truyền đơn và phát thanh trên đài phát thanh chống lại Trung Quốc để hỗ trợ cho một trong những chiến dịch phản kháng giả định đầu tiên của Cục Tình báo Trung ương".[4] Vẫn hoạt động vào năm 1963, phong trào phản kháng hư cấu của Weisshart chống lại Trung Quốc đại lục đã trở thành "chiến dịch giả định kéo dài nhất" của CIA".[4]

Phù hiệu Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc do MACV-SOG thiết kế.

"Huyền thoại" Gươm thiêng Ái quốc

Những nhà sáng lập Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc người Mỹ đã chọn việc gắn chương trình này với lịch sử phổ thông Việt Nam. Nó được đặt theo tên của vị Hoàng đế Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Minh vào đầu thế kỷ 15. Chiến thuật chiến tranh du kích của ông đã thành công trong việc giành lại nền độc lập cho Việt Nam khỏi tay Trung Quốc sau 20 năm Bắc thuộc lần thứ tư. Một thời gian sau chiến tranh, thanh kiếm nổi tiếng của Lê Lợi đã bị một con rùa lấy đi. Hoàng đế tuyên bố rằng thanh kiếm này được trao cho ông trong suốt thời gian chiến tranh chỉ bị con rùa của Hồ Hoàn Kiếm lấy lại sau khi khởi nghĩa thắng lợi.

Câu chuyện về Lê Lợi đã hoàn thành mục tiêu theo như lời tuyên bố của Weisshart là theo đuổi "huyền thoại và biểu tượng dễ nhận biết để làm cơ sở cho một phong trào phản kháng lý tưởng ở miền Bắc Việt Nam".[5] Đó là câu chuyện mà "Mọi học sinh miền Bắc Việt Nam đều biết tới".[6] Biết rằng Bắc Việt dựa vào viện trợ của Trung Quốc, SOG coi Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc là phong trào dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc, đồng thời chỉ đạo rõ ràng việc đưa ra những lời lẽ mang tính ý thức hệ có thể làm mất đi một số sự ủng hộ của người dân miền Bắc. Truyền thuyết này cũng nhấn mạnh đến sự thống nhất lịch sử giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam chống lại bất kỳ hình thức xâm lược nào của đế quốc.[7]

Theo truyền thuyết này thì Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc do Lê Quốc Hùng, người ngưỡng mộ Lê Lợi lập ra hòng đáp lại cuộc cải cách ruộng đất của cộng sản vào năm 1953. Nó được cho là có 10.000 thành viên và tổ chức Đại hội toàn quốc đầu tiên vào năm 1961. Mặt trận phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài vào miền Bắc và miền Nam Việt Nam.[8]

Quá trình phát triển ban đầu

Tháng 4 năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy đã đề nghị gầy dựng "mạng lưới kháng chiến" ở miền Bắc Việt Nam.[9] Giới quan chức chính phủ phải mất một thời gian để xây dựng các nguồn lực cần thiết hòng vượt qua Khu phi quân sự vĩ tuyến 17. Trách nhiệm về PSYOP chống lại Bắc Việt ban đầu thuộc về CIA, cơ quan tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ trong suốt cuộc chiến. Năm 1962, CIA xác định người dân tộc Hmong là những tân binh xứng đáng cho cuộc kháng chiến tại Bắc Việt. Nhưng đến mùa xuân năm 1963, chương trình thí điểm của họ chỉ có tổng cộng 8 tân binh.[9] Phó Giám đốc CIA kiêm Trưởng ban Điều hành tại Sài GònWilliam Colby đã chọn Herbert Weisshart để mở rộng hoạt động kháng chiến tại Bắc Việt và PSYWAR được bắt đầu từ tháng 3 năm 1963.[10]

Weisshart đóng vai trò thực hiện Kế hoạch Tác chiến CINCPAC (OPLAN) 34-63 cho PSYOP hướng tới miền Bắc Việt Nam, kế hoạch này về sau được Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thông qua. "McNamara cũng mong muốn phát triển một phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam trên danh nghĩa (hư cấu), vốn sẽ là nhà tài trợ bề ngoài cho các hoạt động này. Suy cho cùng thì đó chính là những gì Bắc Việt đang làm ở miền Nam."[11] Kế hoạch cuối cùng mang tên OPLAN 34Alpha kêu gọi quân đội "sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông sẵn có và thiết thực...các phong trào kháng chiến ảo và phát triển tâm lý của cuộc kháng chiến thực sự".[12]

Một lá thư năm 1966 của Thiếu tướng Richard Abbey, Phó Tham mưu trưởng MACV, truyền tải rõ ràng quá trình suy nghĩ đằng sau các hoạt động của MTGTAQ. "MTGTAQ là cơ chế miễn trừ trách nhiệm sự tài trợ của MỹViệt Nam Cộng hòa cho các hoạt động của Kế hoạch Chiến dịch 34A... Câu chuyện bình phong cho MTGTAQ sẽ là cánh tay hành động của mặt trận và nó nhận được [các] quỹ từ mặt trận này. Bằng cách tránh thông báo công khai về trách nhiệm đối với các hoạt động của OPLAN 34A, nhóm MTGTAQ sẽ không bị buộc phải đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi kiểu như: Những chiếc thuyền này đến từ đâu? Ai đã trả tiền cho họ? Họ đóng trụ sở tại đâu? Các chương trình phát thanh MTGTAQ mà người dân Sài Gòn địa phương dễ nghe thấy có thể được giải thích bằng cách nói rằng MTGTAQ thuê máy phát sóng từ một đài địa phương".[13] MTGTAQ được hình thành như một biện pháp đối phó bí mật của Mỹ trước sự chi viện được công nhận của Bắc Việt dành cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự khác biệt chính là sự tồn tại của MTGTAQ là "ý tưởng, trong khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng là có thật.

Khi nhiệm vụ của PSYOP chống lại miền Bắc Việt Nam được mở rộng, các quan chức Mỹ quyết định rằng lực lượng lớn cần thiết tốt hơn nên giao cho Lầu Năm Góc thay vì CIA. Việc chuyển giao diễn ra vào tháng 11 năm 1963, được gọi là Chiến dịch Switchback. Herb Weisshert được chuyển giao cho MACV-SOG mới thành lập, với hoạt động được mô tả trong OPLAN 34Alpha bắt đầu vào ngày 1 tháng 2 năm 1964.[14]

Nhiệm vụ của MTGTAQ và MACV-SOG

Theo Gordon L. Rottman, cựu nhân viên MACV-SOG, Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ có năm nhiệm vụ chính trong chiến tranh Việt Nam:[15]

  • Hành quân xuyên biên giới nhằm đập tan Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Khmer Đỏ, Pathet LàoQuân đội Nhân dân Việt Nam.
  • Vận hành chiến dịch Bright Light giải cứu người Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.
  • Huấn luyện và điều động điệp viên xâm nhập vào Bắc Việt để điều hành các phong trào kháng chiến và thu thập thông tin tình báo.
  • Chiến dịch tâm lý mang mật danh Black PSYOP.
  • Chiến dịch tâm lý mang mật danh Gray PSYOP.

MTGTAQ là tâm điểm của Black PSYOP trong MACV-SOG, một đơn vị biệt kích tinh nhuệ được tập hợp từ tất cả các nhánh của quân đội cũng như CIA. MACV-SOG truyền bá thông điệp MTGTAQ bằng đường hàng không, tàu thuyền, lục quân và viễn thông. Liên đoàn Tác chiến Tâm lý đã phát triển MTGTAQ được chỉ thị "tư vấn, hỗ trợ và kiểm soát các hoạt động tâm lý của Cục Kỹ thuật Chiến lược nhằm mục đích thiết lập một bầu không khí quan điểm ở miền Bắc Việt Nam -- [Từ ngữ khó đọc] -- các hoạt động SO/STS, hỗ trợ những hoạt động phá hủy vật chất của SOG/STS và gây áp lực PSYOP lên miền Bắc Việt Nam nhằm xóa bỏ sự chi viện cho các hoạt động ở Việt Nam Cộng hòa".[16] Đến năm 1967, SOG cử khoảng 150 nhân viên của mình sang làm công tác tuyên truyền bí mật, bên cạnh việc tuyển mộ thêm nhiều công dân Việt Nam vì kỹ năng ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa và khả năng hoạt động với tư cách là thành viên của Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc.[17]

Hoạt động tuyên truyền của MTGTAQ

Chứng minh thư Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc.

Chiến dịch rải truyền đơn của MTGTAQ

MACV-SOG đã dành nguồn lực đáng kể để phân phát truyền đơn bất cứ nơi nào kẻ thù có thể tìm thấy chúng. Truyền đơn chủ yếu nhằm mục đích làm mất tinh thần của kẻ thù. Trong chiến tranh Việt Nam, điều này đã được thực hiện ít nhất bằng số lượng cũng như chất lượng của các thông điệp. Một "Bản tin MACV PSYOP/POLWAR" điển hình từ tháng 8 năm 1969 ghi nhận 683 triệu truyền đơn được thả chỉ riêng trong tháng đó, mặc dù số tờ rơi do SOG thả xuống miền Bắc Việt Nam có thể lên tới hàng chục triệu.[18] Truyền đơn có thể được để lại trên xác chết, bắn ra từ những khẩu đại bác hẹn giờ hoặc thả từ trên máy bay xuống. (Gián điệp và Biệt kích 106) Trong khi nhiều truyền đơn trong số này là một phần của chiến dịch Chiêu Hồi, những truyền đơn khác đặc biệt đề cập đến cuộc kháng chiến của MTGTAQ. SOG nhờ đến một đội ngũ người dân Bắc Việt đã đào tẩu để dịch và hoàn thiện nốt những thông điệp này.[19]

Đánh giá về hiệu quả của truyền đơn rất đa dạng. Sử gia Charles Reske chuyên chú thích lịch sử chỉ huy của MACV-SOG, nhận xét: "Việc thả truyền đơn là một trong những PSYOP kém thành công nhất. Từ đầu đến cuối MACV-SOG đã thả hàng tấn truyền đơn ở Lào, Campuchia và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà hầu như chẳng có tác dụng gì cả".[20] Để làm vấn đề trở nên phức tạp hơn, lực lượng SOG đôi khi lại dùng tay thả truyền đơn MTGTAQ từ máy bay Mỹ.[21] Tuy nhiên, truyền đơn MTGTAQ có thể hiệu quả hơn những truyền đơn khác vì chúng được sử dụng theo những cách đặc biệt sáng tạo. Một số được đặt trên xác lính Bắc Việt với hy vọng đồng đội sẽ mất tinh thần khi biết đồng đội của họ là thành viên MTGTAQ.[22] Ngoài truyền đơn, SOG còn phát triển tem bưu chính MTGTAQ để tạo ấn tượng về sự lan rộng của phong trào kháng chiến trên khắp miền Bắc Việt Nam.[1] Bất chấp hiệu quả của truyền đơn trong việc giành được sự ủng hộ, chúng đã thông báo cho người dân Bắc Việt rằng việc phản kháng chế độ là có thể làm được và giúp chính phủ của họ đánh lạc hướng khỏi cuộc chiến thực sự.

Đài Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc (ĐMTGTAQ)

Đài Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc (ĐMTGTAQ) bắt đầu phát sóng ở miền Bắc Việt Nam vào tháng 4 năm 1965.[23] Chi nhánh chịu trách nhiệm phát sóng, SOG OP-33, sau này gọi là OP-39, được cho là sẽ phát sóng từ bên trong miền Bắc Việt Nam. Thay vào đó, tín hiệu đến từ máy phát 20 kW ở Thủ Đức, gần Sài Gòn.[24]

ĐMTGTAQ đã tìm ra hai cách chính để tăng lượng thính giả của mình. Đầu tiên, thông qua dự án Peanuts, SOG đã phân phát hàng nghìn chiếc radio cho miền Bắc Việt Nam. Họ đã phân phát 10.000 cái chỉ trong năm 1968.[25] Những chiếc radio do Nhật Bản sản xuất này được thiết kế để bắt sóng các đài ĐMTGTAQ và các đài khác của Mỹ đồng thời xuyên tạc các đài Bắc Việt. Chúng được đưa vào bằng nhiều phương pháp khác nhau bao gồm đội trinh sát, máy bay thả dù và tàu thuyền.[26] Thứ hai, ĐMTGTAQ đã sử dụng nhiều phương pháp vô tuyến lừa đảo để phá hoại các chương trình phát sóng thực sự của Bắc Việt. Chúng bao gồm "lướt sóng" ("truyền dọc theo tần số của trạm thực") và "quá giang" ("phát [đi] cùng tần số với trạm thực đang đăng xuất và sử dụng dấu hiệu cuộc gọi của nó").[26]

Đúng với thông điệp dân tộc chủ nghĩa của MTGTAQ, đài đã áp dụng cách tiếp cận phi ý thức hệ, nhấn mạnh các giá trị truyền thống của Việt Nam. Sau khi phát triển các đặc điểm tâm lý của người Bắc Việt, chương trình nhắm tới "nhiều đối tượng khác nhau như ngư dân, người Công giáo, nông dân và cán bộ cấp dưới. [Nó] kêu gọi các hành động được lên kế hoạch và thực hiện cẩn thận, hầu hết đều thụ động, như truyền bá tin tức về MTGTAQ...Nó cũng đưa ra quan điểm của MTGTAQ về những diễn biến ở các vùng khác nhau của miền Bắc Việt Nam".[27] ĐMTGTAQ nhằm mục đích dần dần phá vỡ sự tôn trọng đối với giới lãnh đạo Bắc Việt. Một cựu điều hành ĐMTGTAQ nhận xét: "Trạm 'Patriot' công kích không ngừng vào những cán bộ Cộng sản dễ mua chuộc và vô đạo đức, những kẻ không chỉ chiếm đoạt tiền bạc mà còn dụ dỗ những người vợ trẻ của lính Bắc Việt ở miền Nam...Một số điệp viên đáng tin cậy của chúng tôi ở miền Bắc sau đó đã xác nhận rằng những người bị đài phát thanh bí mật nhắm tới thường bị miễn nhiệm".[28] Ngoài việc công kích chính quyền Bắc Việt, các chương trình phát thanh khác còn hướng tới việc khuyến khích những lực lượng MTGTAQ giả tưởng ở miền Bắc Việt Nam.[29] Tuy nhiên, để tôn trọng các nhà hoạch định chính sách, ĐMTGTAQ chưa bao giờ chủ trương thay đổi chế độ ở miền Bắc Việt Nam.[30]

Đài đã đạt được một số thành công trong việc thu hút được sự chú ý của người dân và cả binh lính miền Bắc Việt Nam. Một sĩ quan Bắc Việt đào tẩu vào miền Nam cho biết, "anh ta và các thành viên khác trong đơn vị của mình thường xuyên nghe Đài Cờ Đỏ, Đài Sài Gòn và Đài MTGTAQ trên đài phát thanh của đơn vị họ. Các chương trình phát sóng của Cờ Đỏ và ĐMTGTAQ không cần biết có phải là thật hay không. Cá nhân anh ta tin rằng ĐMTGTAQ do Đại tá Lý Văn Quốc, sĩ quan QĐNDVN đào tẩu sang Liên Xô cầm đầu và được phía Liên Xô cung cấp phương tiện phát sóng".[31] Bắc Việt đáp trả lại PSYOP của phía Mỹ bằng cách phản truyền bá và ngăn cản bất kỳ đề cập nào đến lời tuyên truyền của kẻ địch.[32] Đài này vẫn tiếp tục hoạt động nhiều năm sau khi phần lớn MTGTAQ bị giải thể vào ngày 1 tháng 11 năm 1968.

Song song với Đài Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc, Kế hoạch 39 đã tạo nên nhiều đài phát thanh đen khác, như Đài Tiếng nói Tự do (Voice of Freedom). Đài này thường đọc tin tức, thông qua các diễn đàn văn hóa để tuyên truyền về đời sống và lối sống tự do theokiểu Mỹ. Trung bình mỗi tuần, đài này phát thanh tới 75 giờ. Bên cạnh đó, còn đài phát thanh Cờ Đỏ (Red Flag), tập hợp những phần tử chống cộng quyết liệt, chuyên xuyên tạc, vu khống lãnh đạo và chế độ xã hội ở miền Bắc Việt Nam. Đồng thời, đài còn cố tình xuyên tạc gây hiềm khích giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau, hoặc giữa các nước yêu chuộng hòa bình với dân tộc Việt Nam. CIA còn lập đài phát thanh Sao Đỏ (Red Star) để chống lại Mặt trận Dân tộc Gải phóng miền Nam Việt Nam. Đài này đưa ra khẩu hiệu "Miền Nam Việt Nam là của người miền Nam". Tất cả những hoạt động ngoài vĩ tuyến 17 được lệnh chấm dứt vào tháng 11 năm 1968, sau khi chính quyền Johnson quyết định chấp nhận đề nghị của Hà Nội, tìm giải pháp cho hòa bình.[33]

Những lá thư đen

Một kỹ thuật ưa thích của SOG là gửi những bức thư giả mạo cho giới quan chức và những người trung thành với phía Bắc Việt nhằm gây nghi ngờ đối với họ. Nhiều bức thư, đôi khi được gọi là thư bút độc, liên quan đến những lời tố cáo trợ giúp cho các hoạt động của MTGTAQ. SOG đã gửi 50–100 bức thư như vậy qua địa chỉ Hồng Kông mỗi tuần và lên tới 7.000 bức thư qua Bangkok mỗi năm.[16][34] SOG đã nhận được một thông tin liên lạc cho biết rằng một vị tướng Bắc Việt nhận được lá thư "bị rời khỏi chiến dịch cấp sư đoàn của mình và triệu tập về Hà Nội mà không cho lý do".[35] Khối lượng thư tín khổng lồ cho phép SOG có khả năng buộc tội nhiều người Bắc Việt đồng thời nâng cao nhận thức rằng MTGTAQ có nhiều thành viên tích cực.

Hoạt động hàng hải và mưu toan lật đổ liên quan

Ngăn chặn tiếp tế

SOG tuyển mộ thành viên MTGTAQ bằng cách bắt cóc ngư dân ngoài khơi miền Bắc Việt Nam. Chiến dịch này mang mật danh là Mint (Ngăn chặn Hàng hải) kéo dài từ tháng 5 năm 1964 đến tháng 11 năm 1968. SOG đã thuê những người từng sinh sống ở miền Bắc Việt Nam nói được phương ngữ miền Bắc, cho đóng giả làm thành viên MTGTAQ rồi dùng súng bắt giữ đám ngư dân không chút nghi ngờ nào cả.[36] Trong khi đó, các thành viên người Mỹ của SOG có thể di chuyển bên dưới boong tàu mà không bị ai khác nhìn thấy. Thiếu tá Roger McElroy, một trong số rất ít người Mỹ đã từng xâm nhập vùng biển Bắc Bộ, kể lại rằng: "Những chiếc tàu đó được đóng bằng gỗ để tránh bị radar phát hiện và giấu ở Đà Nẵng chứ không phải để cho ngư dân trên đảo sử dụng. Thỉnh thoảng tôi đi theo toán biệt hải. Lúc lên tàu tôi mặc quần áo ngụy trang, đội lưới che mặt và không đem theo bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào hay vật dụng gì chứng minh tôi là người Mỹ". Khi vào đến hải phận miền Bắc Việt Nam, McElroy không được lên trên boong tàu, nhiệm vụ của ông ta là liên lạc với lực lượng hải quân Mỹ đang có mặt ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.[33] Lịch sử Chỉ huy SOG viết: "Những hoạt động của đội tàu thuyền và đội đổ bộ bí mật được tiến hành dọc theo bờ biển miền Bắc để ngăn chặn tàu bè ven biển của địch, bắt giữ tù binh để thẩm vấn và khai thác tâm lý chiến, đồng thời buộc miền Bắc Việt Nam phải tăng cường phòng thủ ven biển".[37] SOG tuần tra vùng biển Bắc Việt Nam bằng tàu "Nasty" tốc độ cao của Na Uy.

Bất chấp thành công vừa phải của chương trình, chiến dịch Mint đôi khi gây ảnh hưởng đến các chương trình khác. Ví dụ, trong sứ mệnh Loki, SOG đã sử dụng những con tàu Nasty giống hệt nhau để đánh chìm những chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam, mặc dù việc làm đó chẳng đạt được kết quả gì ngoại trừ việc khiến ngư dân tức giận. Vấn đề này tồn tại cho đến tận năm 1968, chứng tỏ rằng MTGTAQ không phải lúc nào cũng được tích hợp đầy đủ trong những nỗ lực rộng lớn hơn của SOG.[38] SOG đã tăng cường đáng kể hoạt động hàng hải của mình vào năm 1967 thông qua sáng kiến Forae, trong đó bao gồm cả chiến dịch Urgency. Trong suốt chiến dịch Urgency, Đội Cố vấn Hải quân đã mua thêm tàu tuần tra, cho phép rà soát bờ biển miền Bắc Việt Nam để tìm kiếm những chiếc thuyền buồm dễ bị đánh đắm gần như mỗi ngày.[39] Những hoạt động này cũng nhằm mục đích kích động sự hoang tưởng ở miền Bắc Việt Nam và buộc chính phủ phải phân bổ thêm nguồn lực nhằm bảo vệ bờ biển của họ.

Đảo Thần Tiên

Nằm dưới vĩ tuyến 17, dọc theo hải phận Việt Nam, đến ngoài khơi biển Đà Nẵng có một đảo nhỏ. phương ngữ gọi là Cù lao Chàm. Khi người Mỹ đến Đà Nẵng, họ gọi là "Đảo Thần Tiên" (Paradise Island). Đảo nhỏ này đã trở thành "vùng đất tự do" cho những ngư dân vùng biển Bắc Bộ bị biệt kích bắt cóc đem đến dựa theo sách lược của Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc. Theo Kế hoạch 39 (OP 39), trước tiên SOG xây dựng trên đảo những làng nhỏ theo khuôn mẫu những làng chài dọc theo bờ biển Bắc Bộ. SOG để ý đến từng chi tiết nhỏ, sao cho giống hệt khuôn mẫu. Vấn đề còn lại là làm sao đem được những người dân chài miền Bắc đến đảo, mà họ tin rằng vẫn còn sống trên đất Bắc. Để làm được điều đó, SOG lập một đơn vị biệt kích biển cho Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc. Bắt đầu từ tháng 5 năm 1964, những chiếc tàu vũ trang không tên sẽ xâm nhập vào hải phận miền Bắc Việt Nam để bắt cóc ngư dân đem đến cù lao Chàm. Nhân viên, thủy thủ trên những chiếc tàu bí mật đó đều nói giọng miền Trung hoặc Bắc Việt Nam, nhiều người di cư vào Nam từ năm 1954. Tàu nào cũng treo cờ của Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc và thủy thủ đoàn tự xưng là hội viên của phong trào trên.[33]

Theo Đại tá Don Blackburn, một trong những ông trùm của SOG thì hoạt động này như sau: "Mục đích của Kế hoạch 39 này là làm cho họ tin rằng đang ở trong một làng giải phóng tại miền Bắc. Khi trả họ về, họ sẽ loan tin là lực lượng kháng chiến có thật và đã giải phóng nhiều vùng ở ngoài Bắc". Những người bị bắt cóc sẽ sống trên đảo khoảng ba tuần lễ. Trong khoảng thời gian đó, họ chỉ gặp những người nói giọng miền Bắc, họ ăn uống, nói chuyện về đời sống dưới chế độ cộng sản, những điều về Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc. Lại có người được đưa đi thăm những làng ở trên đồi, gây cho họ ý tưởng về những căn cứ kháng chiến nằm sâu trong vùng rừng núi ngoài Bắc".[33] Jack Singlaub, (người thay Blackburn) kể thêm: "Chúng tôi lo cho họ rất chu đáo. người nào cũng mập ra, chữa bệnh cho họ và làm cho họ cảm thấy sống trong vùng kháng chiến sướng hơn dưới chế độ cộng sản. Chúng tôi lấy tin tức từ những người bị bắt cóc và cho họ biết một số biểu hiện suy đồi của giới lãnh đạo Hà Nội. Những ngư dân đôi khi cũng cho biết tên tuổi của một số viên chức tham nhũng trong chính quyền Hà Nội. Đài Gươm thiêng Ái quốc theo đó mà nêu đích danh tên tuổi những giới chức tham ô, lạm dụng quyền lực ở đói phương khá chính xác, gây sự nghi ngờ trong nội bộ chính quyền Hà Nội".[33]

Sau khi bắt được những ngư dân dành cho việc "giáo dục", MTGTAQ bèn đưa họ đến hòn đảo này, nằm trong vùng biển Nam Việt Nam một cách an toàn. Để tạo cho những người bị bịt mắt ảo tưởng rằng họ vẫn đang ở ngoài khơi miền Bắc Việt Nam, họ nhanh chóng được chuyển lên tàu cao tốc. Đảo Thần Tiên được SOG chọn vì nó có vẻ ngoài gần giống với vùng cao nguyên Việt Nam. Các tù nhân chỉ được phép nhìn thấy một phần hòn đảo và được thông báo rằng họ đang ở trong "vùng giải phóng" ngoài Bắc. Khi vừa mới đến đây, đám ngư dân liền bị kết tội tử hình nhưng MTGTAQ đã cho họ được khoan hồng. Những người bị bắt cảm thấy đời sống của họ dưới quyền MTGTAQ tốt hơn về mọi mặt so với đời sống dưới chính thể cộng sản. Họ được cung cấp thực phẩm có hàm lượng calo cao, chăm sóc răng miệng và có nhiều thời gian nghỉ ngơi trong khoảng ba tuần lễ.[40]) Kế đến, ngư dân được MTGTAQ giảng dạy về lịch sử của phong trào kháng chiến, cho phép họ có cơ hội giải thích những hành vi lạm quyền và tham nhũng của Chính quyền Hà Nội và khuyến khích họ truyền bá thông điệp MTGTAQ tới các nước láng giềng. Thông tin tình báo nhân lực thu thập được trong các hoạt động này về sau đều được sử dụng cho những chương trình phát thanh, tạo cho người nghe ảo tưởng rằng MTGTAQ có kiến thức sâu sắc về các sự kiện ở miền Bắc Việt Nam và các chương trình phát sóng buộc phải hợp pháp.[41] Đến cuối chương trình này, hơn 1.000 người Bắc Việt đã đến thăm Đảo Thần Tiên.[42] Du khách đến hòn đảo này đều được cung cấp radio và gói quà tặng bị điều chỉnh hướng theo ĐMTGTAQ trước khi rời đi. Cuối cùng, họ đưa cho du khách hai gói quà: một gói được cho là sẽ bị chính quyền cộng sản đánh cắp và gói còn lại được giấu kín.

Những khóa huấn luyện kéo dài cho phép giới lãnh đạo MTGTAQ có nhiều thời gian để đánh giá động cơ và lòng trung thành của ngư dân, cũng như các tù nhân khác được đưa đến Đảo Thần Tiên tham dự khóa huấn luyện của MTGTAQ. Theo dự án Borden, một số được gửi trở lại nhằm thu thập thông tin tình báo cho MTGTAQ. Ngay cả khi họ quyết định kể câu chuyện của mình cho chính quyền Bắc Việt, làm như vậy sẽ chỉ nâng cao hình ảnh của MTGTAQ và truyền bá kiến thức về lịch sử huyền thoại của nó. Tuy vậy, ai mà MTGTAQ đánh giá là những người cộng sản có niềm tin chân chính sẽ bị coi là đặc vụ tình báo giả. Tù nhân được thả ra mà chẳng hề hay biết, quần áo và hành lý của họ được nhét kèm theo thẻ chứng minh thư MTGTAQ hoặc tờ truyền đơn mà chắc chắn chính quyền Bắc Việt sẽ tìm thấy. Bất kỳ nỗ lực nào của cựu tù nhân nhằm giải thích lòng trung thành của mình đương nhiên sẽ bị đối phương nghi ngờ gay gắt.[43]

Những ngư dân đặt chân đến Đảo Thần Tiên đôi khi được đưa ra lựa chọn đào tẩu sang Việt Nam Cộng hòa. Người nào chọn làm như vậy phải đồng ý xuất hiện trên các cơ quan báo chí như tờ Saigon Daily News hoặc ĐMTGTAQ. Tương tự như chương trình Chiêu Hồi, việc đào tẩu của họ sẽ bị lợi dụng để làm suy sụp tinh thần của binh lính Bắc Việt. Người ta đặt câu hỏi liệu các ngư dân đã thật sự bị lừa hay chỉ giả bị lừa. Ít nhất một ngư dân bị bắt cóc tuyên bố đã biết mình không ở miền Bắc Việt Nam khi sờ thấy cát trên bãi biển của hòn đảo này. Và hồ sơ về một số ngư dân bị bắt cóc ba lần khác nhau có thể cho thấy rằng những ngư dân này đã cố ý bị bắt để được hưởng các tiện ích do MTGTAQ cung cấp.[44] MTGTAQ đã phát triển các hoạt động khác liên quan đến Đảo Thần Tiên nhưng bị giới chức hoạch định chính sách từ chối. Những hoạt động này bao gồm việc huấn luyện du khách ám sát giới quan chức Bắc Việt và khuyến khích họ phát triển các kế hoạch chiến tranh du kích khi trở về miền Bắc.[45] Đội ngũ nhân viên SOG nhiệt tình tiếp tục nêu ra triển vọng biến MTGTAQ thành lực lượng chống đối cách mạng. Năm 1966 được coi là năm hoạt động hiệu quả, 353 ngư dân và thường dân ngoài Bắc được đưa đến Cù lao Chàm. Từ năm 1964 đến năm 1968, tổng cộng có 1003 ngư dân và dân thường bị bắt cóc đưa đến Cù lao Chàm để Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc "truyền giáo". Quả thực, Kế hoạch 39 có cách thức hoạt động y như trong tiểu thuyết.[33]

Sự chấm dứt của MTGTAQ

Sự sụp đổ đột ngột

Các hoạt động của MTGTAQ được mở rộng đáng kể vào năm 1968 với việc triển khai chiến dịch nghi binh Forae. Forae bao gồm nhiều hoạt động liên kết nỗ lực thu thập thông tin tình báo và lật đổ của SOG với huyền thoại về MTGTAQ, bao gồm cả việc gửi các điệp viên tình báo giả đến miền Bắc Việt Nam để làm ra vẻ như họ bị bắt giữ. Các nhà đàm phán Hà Nội tại Hội nghị Hòa bình Paris yêu cầu Mỹ chấm dứt PSYOP nhắm vào miền Bắc Việt Nam, bao gồm cả việc hỗ trợ cho MTGTAQ. Giới quan chức Mỹ đã đồng ý với chính sách này và thực thi nó. SOG được thông báo rằng mặc dù đài ĐMTGTAQ có thể tiếp tục vận hành nhưng hầu như các công tác khác của MTGTAQ xung quanh MTGTAQ, bao gồm cả Đảo Thần Tiên, đều phải ngừng hoạt động. Giới chỉ huy SOG tỏ ra rất kinh ngạc trước quyết định này. Theo đánh giá của một nhà sử học, "Việc Mỹ công bố ngừng hoạt động và sự biến mất đột ngột của tàu MTGTAQ chắc chắn đã được cả chính quyền và người dân miền Bắc chú ý và liên tưởng."[46] MTGTAQ trên thực tế đã chấm dứt vào ngày 1 tháng 11 năm 1968. Một lý do có thể dẫn đến việc dẹp bỏ này là do các thành viên lãnh đạo quân đội và chính phủ Mỹ coi thường SOG. Tướng Westmoreland, cùng nhiều người khác, chưa bao giờ đầu tư nhiều vào SOG và các hoạt động bí mật của nó. Tuy nhiên, SOG đã phải chịu trách nhiệm về phần lớn việc này; chi nhánh Nghiên cứu và Phân tích của nó chưa bao giờ tiến hành đánh giá PSYWAR xuyên suốt lịch sử chiến tranh Việt Nam.[47]

Kháng chiến trên danh nghĩa và thực tế

Trong suốt lịch sử của MTGTAQ, các chỉ huy SOG từng đề xuất một số cách thức hòng mở rộng lực lượng kháng chiến trên danh nghĩa, nhiều cách trong số đó đã bị giới chức hoạch định chính sách bác bỏ. Phe ủng hộ việc mở rộng chương trình có thể chỉ ra sự hoang tưởng ngày càng gia tăng ở Hà Nội, tâm lý phản gián của Bắc Việt, và việc tạo ra 19 tội danh mới về các tội liên quan đến hoạt động của MTGTAQ.[48] Tuy nhiên, nếu MTGTAQ muốn đạt được nhiều mục đích hơn là chuyển hướng nguồn lực của Hà Nội thì nó sẽ phải được kích hoạt. Trong con mắt của một nhà sử học SOG, sự tồn tại đơn thuần trên danh nghĩa của nó đã tạo ra "hạn chế gần như tê liệt".[49]

Đại tá Donald D. Blackburn, thủ trưởng SOG vào tháng 6 năm 1965, đã thiết kế kế hoạch kích hoạt MTGTAQ trên danh nghĩa. Blackburn nghĩ rằng làm như vậy sẽ đòi hỏi phải tạo ra cả một mạng lưới hỗ trợ bao gồm các nhóm tôn giáo và liên đoàn lao động ở miền Nam Việt Nam nhằm trợ giúp mặt trận hành động MTGTAQ. Mặt trận hành động được đặt tại một hòn "Đảo Thần Tiên" thực sự ở phía tây bắc Bắc Việt Nam. Kế hoạch này từng được đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Henry Cabot Lodge chấp thuận. Thế nhưng kế hoạch này cuối cùng đã bị bác bỏ.[50]

Một bản đánh giá khác về SOG do Tướng William Westmoreland ủy quyền vào năm 1967. Sự đánh giá này được gọi là Báo cáo Brownfield vì nó do Chuẩn tướng Albert Brownfield chỉ đạo biên soạn. Được công bố vào ngày 14 tháng 2 năm 1968, bản báo cáo này kết luận rằng "MTGTAQ lẽ ra phải có mục tiêu lập kế hoạch cuối cùng nhằm lật đổ Chế độ Hà Nội."[51] Cả Tướng Westmoreland và các quan chức ở Washington đều không ủng hộ kết luận này.

Giới lãnh đạo quân sự và quan chức Washington đều bác bỏ đề xuất này có bốn mối quan ngại chính:[45]

  • Làm như vậy sẽ vi phạm các chính sách công khai của Mỹ.
  • Nó có thể gây bất ổn cho toàn bộ miền Bắc Việt Nam.
  • Bắc Việt có thể tăng cường hoạt động chống lại Việt Nam Cộng hòa.
  • Trung Quốc có thể quyết định công khai tham gia chiến tranh Việt Nam.

Đằng sau tất cả những phản đối này ẩn chứa ký ức về Cách mạng Hungary năm 1956.[52] Các chương trình phát sóng được giám sát chặt chẽ từ Đài Âu châu Tự do do Mỹ tài trợ có lẽ đã mang lại cho người Hungary niềm tin nhằm khởi đầu một cuộc cách mạng. Các nhà cách mạng Hungary đã hành động với giả định hợp lý rằng người Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự. Giới chức hoạch định chính sách không muốn lịch sử lặp lại. Sẽ là liều lĩnh nếu khuyến khích đám tân binh MTGTAQ bắt đầu một cuộc đảo chính ngay từ đầu, nếu những nhà hoạch định chính sách thiếu quyết tâm đẩy chiến tranh Việt Nam qua khu phi quân sự vĩ tuyến 17.

Tham khảo

  1. ^ a b Friedman, Herbert A. The Sacred Sword of the Patriots League. Retrieved 2012-4-24.
  2. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 137.
  3. ^ Plaster, John H., SOG: The Secret Wars of America's Commandos in Vietnam. Simon & Schuster, 1997. p. 118.
  4. ^ a b Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. p. 77.
  5. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 139.
  6. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 141.
  7. ^ Chandler, Robert W., War of Ideas: The U.S. Propaganda Campaign in Vietnam. Westview Press, 2011. p. 9.
  8. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. pp. 141-2.
  9. ^ a b Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. p. 75.
  10. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 130.
  11. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 7.
  12. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 24.
  13. ^ Friedman, Herbert A. "The Sacred Sword of the Patriots League." Retrieved 2012-4-24.
  14. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 8.
  15. ^ Rottman, Gordon L., The MACV-SOG Reconnaissance Team in Vietnam, Osprey Publishing, 2011. p. 10.
  16. ^ a b Reske, Charles F., MACV-SOG Command History: Annexes A, N & M (1964-1966). Alpha Publications, 1992. p. 83.
  17. ^ Plaster, John H., SOG: The Secret Wars of America's Commandos in Vietnam. Simon & Schuster, 1997. p. 150.
  18. ^ Chandler, Robert W., War of Ideas: The U.S. Propaganda Campaign in Vietnam. Westview Press, 2011. p. 85.
  19. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 144.
  20. ^ Reske, Charles F., MACV-SOG Command History: Annexes A, N & M (1964-1966). Alpha Publications, 1992. p. 85.
  21. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 210.
  22. ^ John, Plaster L, SOG: A Photo History of the Secret War. Paladin Press, 2000. p. 451.
  23. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 58.
  24. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 73.
  25. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 151.
  26. ^ a b John, Plaster L, SOG: A Photo History of the Secret War. Paladin Press, 2000. p. 450.
  27. ^ Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. p. 79.
  28. ^ Singlaub, John K. Hazardous Duty: An American Soldier in the Twentieth Century. Summit Books, 2000. p. 296.
  29. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 163.
  30. ^ Plaster, John H., SOG: The Secret Wars of America's Commandos in Vietnam. Simon & Schuster, 1997. p. 123.
  31. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 136.
  32. ^ Latimer, Harry D. U.S. Psychological Operations in Vietnam. Brown University, 1973. p. 119.
  33. ^ a b c d e f Vũ Đình Hiếu lược dịch (2011). Cuộc chiến bí mật – Hồ sơ lực lượng biệt quân ngụy. Hà Nội: Nxb. Thời Đại. tr. 143–146.
  34. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 157.
  35. ^ Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. p. 211.
  36. ^ Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. pp. 110–111.
  37. ^ Reske, Charles F., MACV-SOG Command History: Annexes A, N & M (1964-1966). Alpha Publications, 1992. p. 68.
  38. ^ Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. p. 219.
  39. ^ Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. p. 220.
  40. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 146.
  41. ^ Singlaub, John K. Hazardous Duty: An American Soldier in the Twentieth Century. Summit Books, 2000. pp. 296-7.
  42. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 147.
  43. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. pp. 113-118.
  44. ^ Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. pp. 219-220.
  45. ^ a b Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 148.
  46. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 194.
  47. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 167.
  48. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 104.
  49. ^ Plaster, John H., The Secret Wars of America's Commandos in Vietnam. Simon & Schuster, 1997. p. 118.
  50. ^ Conboy, Kenneth and Dale Andrade, Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam. University Press of Kansas, 2000. pp. 137-140.
  51. ^ Gillespie, Robert M., Black Ops, Vietnam: The Operation History of MACVSOG. Naval Institute Press, 2011. p. 133.
  52. ^ Schultz, Richard H. Jr., The Secret War Against Hanoi. HarperCollins, 1999. p. 156.
Kembali kehalaman sebelumnya