Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn (1986) nhưng được coi là người đạt đỉnh cao nghệ thuật của truyện ngắn[3] với một loạt tác phẩm như: Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...
Năm 1960, gia đình chuyển về quê, định cư ở xóm Cò, thôn Khương Hạ, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), Hà Nội. Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và, theo ông, bị đưa về làng dạy học tại Tây Bắc Bộ đến năm 1980, vì bố ông có làm việc với Pháp cho nên lý lịch ông bị xếp vào loại "không sạch".[4] Năm 1980, ông chuyển về làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó làm việc tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục Bản đồ cho đến khi rời cơ quan nhà nước vào năm 1992.
Đến với văn học từ khá sớm, như có lần ông tự bạch: "tôi đọc sách từ năm 10 tuổi", viết những truyện ngắn đầu tiên cũng khá sớm (một số truyện ngắn trong Những ngọn gió Hua Tát viết năm 21 tuổi), nhưng Nguyễn Huy Thiệp chỉ vụt sáng từ những truyện in trên báo Văn Nghệ năm 1986, khi đã 36 tuổi. Rồi chỉ một năm sau đó, năm 1987 với Tướng về hưu, ông đã có một vị trí xác lập trên văn đàn Việt Nam.[5]
Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ năm 1986. Năm 1996, Tiểu Long Nữ, "tiểu thuyết đầu tay", là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được chính thức xuất bản bởi Nhà xuất bản Công an nhân dân.
Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn chương, kịch... nhưng đặc sắc nhất là truyện ngắn. Truyện ngắn của ông có cấu trúc, nhân vật, ngôn ngữ, cách triển khai riêng biệt, ảnh hưởng đến nhiều cây bút trẻ; chỉ thoáng đọc đã nhận ra ngay "chất Nguyễn Huy Thiệp đặc sệt" trong sáng tác của họ. Đó là những câu văn ngắn, tốc độ nhanh, ngữ pháp đơn giản nhưng sắc lẹm, nhiều ẩn dụ, có lúc thật tinh khôi, có lúc thật ám ảnh, ma mị. Nhiều nhà phê bình gọi đó là lối văn tự sự mang xu hướng tự thuật, cô đọng, ngắn gọn, gọi thẳng tên sự việc hiện tượng, rất ít dùng phương pháp uyển ngữ.[5]
Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là truyện ngắn, mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.
Một trong những mảng đề tài đặc sắc nhất của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là nông thôn, với Chảy đi sông ơi (1985), Những bài học nông thôn (1988), Thương nhớ đồng quê (1992, đã dựng thành phim năm 1995), Chăn trâu cắt cỏ (1996), Chú Hoạt tôi (2001)... Mảng đề tài thứ hai là về miền rừng núi, mang dấu ấn 10 năm ông dạy học ở Tây Bắc. Đó là những truyện ngắn xuất sắc: Những ngọn gió Hua Tát (1971-1986), Muối của rừng (1986), Những người thợ xẻ (1988, đã dựng thành phim năm 1998)... Và một mảng đề tài nữa là cuộc sống thị dân: Huyền thoại phố phường (1983), Tướng về hưu (1986, đã dựng thành phim năm 1988), Không có vua (1987)..., tuy được viết về khía cạnh ngột ngạt, bức bối nhưng vẫn đặt ra được những câu hỏi về lẽ sống, nhân cách và lòng yêu thương con người.[5]
Ngoài ra ông còn viết kịch, thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông) và tiểu luận phê bình đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài.
Năm 2004, bài viết "Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn" của ông, đăng trên Tạp chí Ngày nay, tạo ra những tranh luận sôi nổi trong giới văn chương một thời gian dài trên báo Văn nghệ và một số trang mạng tại Việt Nam.
Tác phẩm
Tâm hồn mẹ (truyện ngắn 1982) được cải biên thành phim cùng tên (2011)[6]
Muối của rừng, Nàng Sinh, Cô Mỵ (tháng 5/1986, 3 truyện ngắn được xuất bản đầu tiên), Tuần báo Văn Nghệ[7]
Tuổi hai mươi yêu dấu (tiểu thuyết), Nhà xuất bản E'ditions de l'Aube, 2002. Sách vốn hoàn thành vào tháng 1/2003, đã được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản từ năm 2005, cũng như được phát hành ở nhiều nước như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. Vì ngôn ngữ nhạy cảm, cuốn tiểu thuyết phải chờ đợi 15 năm trước khi phát hành trong nước vào năm 2018
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Trẻ, 2003.
Giăng lưới bắt chim, Đông A, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006.
Gạ tình lấy điểm (tiểu thuyết), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007.
Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết (tập truyện ngắn), Nhà xuất bản Đa Nguyên.
Mổ nhà văn (kịch, bút danh Thích Thiện Ngân), trang mạng Talawas.
Quan niệm
"...Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều..."vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả..."[10]
"Ở Việt Nam người ta phải có khả năng chờ đợi. Đôi khi, guồng máy chính trị mở ra, rồi lại đóng kín lại. Khi mình bắt được cơ hội đúng lúc - và việc này tôi rất khá - thì nhiều việc không thể ngờ nhưng cũng có thể xảy ra ở nước tôi"[12]
Phê bình
“
Anh có một hỗn danh đầy vinh dự mà hình như phải là người thấu hiểu Phật tính mới dám nhận – nhiều người gọi anh là Thiệp "cứt" - Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh.
Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia. Nhưng văn chương của ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại!
Giải Nonino Risit d'Âur (2008)[16] (giải thưởng Premio Nonino, Italy)[1]
Đầu năm 2021, trước khi mất, Nguyễn Huy Thiệp được Hội Nhà văn Việt Nam đề cử xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật 2021. Hai tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát.[1] Tháng 12 năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký 4 quyết định tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho 128 tác giả, đồng tác giả. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước cùng 111 tác giả, đồng tác giả khác.[17]
Giải thưởng thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội truy tặng cho cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và các tác phẩm của ông.[18]