Nguyệt Chi (tiếng Trung:月氏, hoặc 月支) hay Đại Nguyệt Chi (tiếng Trung:大月氏, hoặc 大月支), là tên gọi trong tiếng Trung để chỉ những người Trung Á cổ đại. Người ta cho rằng họ chính là (hoặc có quan hệ họ hàng gần gũi với) người Tochari (Τοχάριοι-Thổ Hỏa La) theo cách gọi của người Hy Lạp cổ. Ban đầu họ định cư trong các vùng đồng cỏ khô cằn thuộc miền đông khu vực lòng chảo Tarim, ngày này có lẽ thuộc Tân Cương, Cam Túc và có thể là cả Kỳ Liên Sơn ở Trung Quốc, trước khi họ di cư tới Transoxiana, Bactria (Đại Hạ) và sau đó là miền bắc Ấn Độ, là nơi mà họ lập ra Vương triều Quý Sương.
Người ta cho rằng trong tên gọi "Nguyệt Chi" thì chữ nguyệt 月, có nghĩa là "Mặt Trăng", có nguồn gốc từ nhục 肉, có nghĩa là "thịt"[cần dẫn nguồn]. Trên thực tế, chữ nguyệt là tương tự như bề ngoài của dạng cơ bản của chữ nhục. "Nhục Chi" 肉(⺼)氏 có lẽ có nghĩa văn chương là "bộ lạc ăn thịt", nghĩa là những người ăn thịt.
Nguồn gốc
Những ghi chép đầu tiên về người Nguyệt Chi có từ năm 645 TCN trong Quản tử (管子) của tác giả Trung Quốc Quản Trọng. Ông miêu tả người Ngu Chi (禺氏,) hay Ngưu Chi (牛氏,) là những người từ miền tây bắc đã cung cấp ngọc bích cho người Hán từ những dãy núi gần đó của nước Ngu Chi 禺氏 tại Cam Túc. Việc cung cấp ngọc bích từ lòng chảo Tarim trong thời cổ đại đã dược chứng minh khá rõ ràng bằng các tài liệu khảo cổ học: "Một điều rất rõ ràng là các vị vua Trung Quốc cổ đại rất thích ngọc bích. Tất cả các đồ bằng ngọc bích khai quật được tại khu lăng mộ của Phụ Hảonhà Thương, chứa trên 750 miếng, tất cả đều từ Vu Điền (nay là Hòa Điền hay Khotan) thuộc Tân Cương ngày nay. Từ rất sớm, khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên thì người Nguyệt Chi đã tham gia vào việc buôn bán ngọc bích, trong đó những người tiêu dùng chủ yếu là các vị vua của nước Trung Hoa nông nghiệp"[1].
Người Nguyệt Chi cũng được đề cập chi tiết trong các sử sách Trung Hoa, cụ thể là trong "Sử Ký" (thế kỷ 2-1 TCN) của Tư Mã Thiên. Theo các tài liệu này, "người Nguyệt Chi ban đầu sống trong khu vực giữa Kỳ Liên Sơn (hoặc Thiên Sơn) và Đôn Hoàng" (Sử Ký, 123), tương ứng với nửa phía đông của lòng chảo Tarim và phần phía bắc của Cam Túc[2].
Người Nguyệt Chi có thể là những người thuộc đại chủng Kavkaz, như được chỉ ra bởi các chân dung của các vị vua trên các đồng tiền họ đã đúc ra sau khi di cư tới Transoxiana (thế kỷ 2-thế kỷ 1 TCN), và đặc biệt là các đồng tiền họ đúc tại Ấn Độ khi cai trị vương triều Quý Sương (thế kỷ 1-thế kỷ 3). Tuy nhiên, không có các ghi chép trực tiếp nào về tên gọi của các vị vua Nguyệt Chi, và các chân dung trên những đồng tiền đầu tiên của họ có thể không chính xác.
Các nguồn tư liệu của người Trung Hoa cổ đại đã miêu tả sự tồn tại của "người da trắng với tóc dài" (Người Bạch trong Sơn Hải Kinh) bên ngoài biên giới phía tây bắc của họ, và các xác ướp Tarim được bảo quản khá tốt với các đặc trưng của người Kavkaz, thường với tóc hung vàng hoặc nâu đỏ, hiện nay được trưng bày tại viện bảo tàng Ürümqi (Ô Lỗ Mộc Tề) và có niên đại khoảng thế kỷ 3 TCN, đã được tìm thấy trong cùng một khu vực của lòng chảo Tarim.
Các ngôn ngữ TochariẤn-Âu cũng đã được chứng thực trong cùng một khu vực địa lý. Mặc dù chứng cứ chữ khắc đầu tiên hiện đã biết chỉ có niên đại vào khoảng thế kỷ 6, nhưng mức độ phân hóa giữa tiếng Tochari A và Tochari B cũng như sự thiếu vắng các dấu tích của tiếng Tochari bên ngoài khu vực này đều có xu hướng chỉ ra rằng tiếng Tochari chung đã từng tồn tại trong cùng khu vực định cư của người Nguyệt Chi trong nửa sau của thiên niên kỷ 1 TCN.
Theo một giả thuyết, người Nguyệt Chi có lẽ là một phần của nhóm lớn những người di cư nói các thứ tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, đã từng định cư ở miền đông khu vực Trung Á (có thể xa tới tận Cam Túc) vào thời gian đó. Một ví dụ khác là các xác ướp của người Kavkaz tại Pazyryk, có lẽ có nguồn gốc là người Scythia, nằm cách khu vực của người Nguyệt Chi khoảng 1.500 km về phía tây bắc và có niên đại khoảng thế kỷ 3 TCN.
Theo các tài liệu thời nhà Hán, người Nguyệt Chi "đã rất phồn thịnh" trong thời gian trị vì của vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần, nhưng họ thường xuyên có mâu thuẫn với bộ lạc láng giềng là người Hung Nô ở phía đông bắc.
Di cư của người Nguyệt Chi
Người Nguyệt Chi đôi khi cũng thực hiện việc trao đổi con tin với người Hung Nô, và từng có thời cầm giữ Mặc Đốn (冒頓), con trai của vị thủ lĩnh Hung Nô. Mặc Đốn đã lấy trộm một con ngựa và bỏ trốn khi người Nguyệt Chi định giết ông để trả đũa cho cuộc tấn công của cha ông này. Mặc Đốn sau này trở thành vua Hung Nô sau khi giết cha mình.[cần dẫn nguồn]
Vào khoảng năm 177 TCN, được một thủ lĩnh một bộ lạc của Mặc Đốn chỉ huy thì người Hung Nô đã đánh vào lãnh thổ của người Nguyệt Chi tại khu vực Cam Túc và đã giành được một thắng lợi quan trọng. Mặc Đốn khoe khoang trong một bức thư gửi cho hoàng đế nhà Hán rằng, do "sự tuyệt vời của các chiến binh, và sức mạnh của bầy ngựa của mình, ông đã giành thắng lợi trong việc tiêu diệt người Nguyệt Chi, tàn sát hoặc ép phục tùng toàn bộ bộ lạc này". Con trai của Mặc Đốn, Kê Chúc, sau đó đã sát hại vua của người Nguyệt Chi và theo truyền thống của những bộ lạc du cư, "đã làm chiếc cốc uống từ đầu lâu ông này".
Theo các sử liệu Trung Quốc, một phần lớn người Nguyệt Chi vì thế đã nằm dưới sự thống trị của người Hung Nô, và họ có thể là tổ tiên của những người nói tiếng Tochari đã được chứng thực vào thế kỷ 6. Một nhóm rất nhỏ người Nguyệt Chi chạy về phía nam tới lãnh thổ của người Khương, và được người Trung Quốc biết đến như là "Tiểu Nguyệt Chi". Theo Hán thư, họ chỉ có khoảng 150 gia đình.
Cuối cùng, một nhóm lớn người Nguyệt Chi đã chạy khỏi khu vực lòng chảo Tarim/ Cam Túc về phía tây bắc, đầu tiên định cư tại thung lũng Sông Y Lê, ngay phía bắc dãy núi Thiên Sơn, tại đó họ phải đương đầu và đánh bại người Sai (Sakas hay người Scythia): "Người Nguyệt Chi tấn công vua của người Sai, người đã di chuyển một khoảng cách đáng kể về phía nam và người Nguyệt Chi sau đó đã chiếm đất của ông ta" (Hán Thư 61 4B). Người Sai cũng phải di cư, và họ đã tới Kashmir, sau khi vượt qua "chỗ vượt lơ lửng" (có lẽ là đèo Khunjerab giữa Tân Cương và miền bắc Pakistan ngày nay). Người Sakas cuối cùng đã thành lập ra vương quốc Ấn Độ-Scythia ở miền bắc Ấn Độ ngày nay.
Sau năm 155 TCN, người Ô Tôn, liên kết với người Hung Nô và để trả thù cho các mâu thuẫn trước đây, đã xua đuổi người Nguyệt Chi và ép họ phải chạy về phía nam. Người Nguyệt Chi đã vượt qua khu vực văn minh đô thị láng giềng là Đại Uyên tại Ferghana, và định cư trên bờ phía bắc của sông Oxus, trong khu vực của Transoxiana, ngày nay thuộc Tajikistan và Uzbekistan, chỉ ngay phía bắc của Vương quốc Hy Lạp-Bactria. Thành phố Alexandria trên sông Oxus của người Hy Lạp dường như đã bị người Nguyệt Chi đốt cháy hoàn toàn vào khoảng năm 145 TCN.
Định cư tại Transoxiana
Một phái bộ Trung Quốc, do Trương Khiên chỉ huy đã đến nơi ở của người Nguyệt Chi vào năm 126 TCN, với mục đích tìm kiếm một liên minh với người Nguyệt Chi để chống lại mối đe dọa từ người Hung Nô ở phía bắc. Mặc dù đề nghị lập liên minh đã bị con trai của vị vua Nguyệt Chi (bị giết trước kia) từ chối, ông này mong muốn duy trì hòa bình tại Transoxiana hơn là trả thù, nhưng Trương Khiên đã lập được bản báo cáo chi tiết (được ghi nhận trong Sử Ký), tạo điều kiện cho người ta hiểu rõ hơn tình hình ở Trung Á vào thời gian đó.
Trương Khiên, người đã lưu lại Nguyệt Chi và Đại Hạ trong một năm, thuật lại rằng "Đại Nguyệt Chi sống cách Đại Uyên (Fergana) khoảng 2.000 hoặc 3.000 lý (1.000-1.500 km) về phía tây, về phía bắc của sông Gui (Oxus). Họ có biên giới phía nam với Đại Hạ (Bactria), về phía tây với An Tức (Parthia), và về phía bắc với Khang Cư (Hazrat-e Turkestan - thuộc trung Jaxartes). Họ là các bộ lạc du cư, đi từ nơi này tới nơi khác thành đoàn, và tập quán của họ là tương tự như của người Hung Nô. Họ có khoảng 100.000 hay 200.000 cung thủ"[3].
Mặc dù họ vẫn luôn ở phía bắc sông Oxus, nhưng dường như họ đã có được sự phục tùng từ phía Vương quốc Hy Lạp-Bactria ở phía nam sông Oxus. Người Nguyệt Chi tổ chức thành 5 bộ lạc chính, mỗi bộ lạc do một yabgu đứng đầu, và được người Trung Quốc gọi là Hưu Mật (休密) ở Tây Wakhān và Zibak, Quý Sương (貴霜) ở Badakhshan và các lãnh thổ cận kề ven sông Oxus, Song Mĩ (雙靡) trong khu vực Shughnan, Hật Đốn (肸頓) trong khu vực Balk, và Đô Mật (都密) trong khu vực Termez[4].
Miêu tả về vương quốc Đại Hạ (Hy Lạp-Bactria) của Trương Khiên sau khi vương quốc này bị người Nguyệt Chi xâm chiếm:
"Đại Hạ nằm cách Đại Uyên trên 2.000 lý về phía tây nam, phía nam sông Gui (Oxus). Người dân quốc gia này canh tác đất và có các thành phố và nhà cửa. Tập quán của họ là tương tự như của Đại Uyên. Họ không có người cai trị vĩ đại mà chỉ có các thủ lĩnh nhỏ cai quản các thành phố khác nhau. Người dân là kém cỏi trong việc sử dụng vũ khí và sợ đánh trận, nhưng họ lại thông minh trong buôn bán. Sau khi người Đại Nguyệt Chi chuyển về phía tây và tấn công các vùng đất, thì toàn bộ quốc gia này nằm dưới sự thống trị của họ. Dân số của nước này khá lớn, ước khoảng 1.000.000 hoặc hơn. Kinh đô của họ là thành phố Lanshi (Bactra) và có chợ mà ở đó mọi thứ hàng hóa được mua và bán". ("Sử Ký", Tư Mã Thiên, phần về Trương Khiên)
Trong phân tích sâu hơn nữa về các đặc điểm tự nhiên và văn hóa của Trung Á mà ông đã ghé thăm năm 126 TCN, Trương Khiên thông báo rằng "mặc dù các quốc gia từ Đại Uyên về phía tây tới An Tức (Parthia), nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng tập quán của họ nói chung lại khá tương đồng và các ngôn ngữ của họ lại có thể hiểu được nhau. Những người đàn ông có hai mắt sâu hoắm và có nhiều râu và lông"[3].
Xâm chiếm Đại Hạ (Bactria)
Năm 124 TCN người Nguyệt Chi dường như đã tham dự vào cuộc chiến chống lại người Parthia, trong đó vua Parthia Artabanus I đã bị thương và chết:
"Trong cuộc chiến chống lại người Tokhari, ông (Artabanus) đã bị thương vào tay và chết ngay lập tức" (Justin, Epitomes, XLII,2,2: "Bello Tochariis inlato, in bracchio vulneratus statim decedit").
Một thời gian sau năm 124 TCN, có lẽ bị rối loạn bởi sự xâm nhập của các kẻ thù từ phương bắc, và dường như bị vua Parthia, người kế nghiệp của vua Artabanus, Mithridates II đánh bại nên người Nguyệt Chi đã di chuyển xuống phía nam tới Bactria. Bactria đã bị những người Macedonia dưới sự chỉ huy của Alexandros Đại Đế xâm chiếm vào năm 330 TCN và kể từ đó vùng này đã được những người thuộc Vương quốc Seleukos và vương quốc Hy Lạp-Bactria thuộc nền văn minh Hy Lạp định cư trong hai thế kỷ.
Sự kiện này được ghi chép trong các nguồn sử liệu Hy Lạp cổ điển, khi Strabo gọi họ là bộ lạc người Scythia, và giải thích rằng người Tokhari—cùng với người Assianis, Passianis và Sakaraulis—đã cùng nhau phá huỷ vương quốc Hy Lạp-Bactria trong nửa sau của thế kỷ 2 TCN:
"Phần lớn người Scythia, bắt đầu từ biển Caspi, được gọi là Dahae Scythae, và những người sống xa hơn về phía đông là người Massagetae và người Sacae; phần còn lại có tên gọi chung là người Scythia, nhưng mỗi bộ lạc riêng rẽ đều có tên riêng biệt. Tất cả, hoặc phần lớn trong số họ, là những người du cư. Những bộ lạc được biết đến nhiều nhất là những người đã lấy đi Bactria của người Hy Lạp, đó là người Asii, Pasiani, Tochari, và Sacarauli, những người đã đến đây từ quốc gia ở phía bên kia sông Jaxartes, đối diện với Sacae và Sogdian." (Strabo, 11-8-1)
Vị vua cuối cùng của vương quốc Hy Lạp-Bactria là Heliocles I đã phải rút lui và chuyển kinh đô của mình tới thung lũng Kabul. Phần phía đông của Bactria đã bị người Pashtun xâm chiếm.
Do họ bắt đầu định cư tại Bactria vào khoảng năm 125 TCN, nên người Nguyệt Chi bắt đầu bị Hy Lạp hóa ở một mức độ nào đó, chẳng hạn việc chấp nhận các chữ cái Hy Lạp và việc sử dụng đồng tiền, được đúc theo kiểu của các vua Hy Lạp-Bactria, với các chữ viết trên đó bằng tiếng Hy Lạp. Khu vực của Bactria mà họ định cư trở thành Tokharistan, do người Nguyệt Chi được người Hy Lạp gọi là "người Tochari".
Các quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng đã rất phồn thịnh, nhiều phái bộ Trung Quốc đã được gửi đi trong suốt thế kỷ 1 TCN: "Lớn nhất trong số các đoàn sứ giả ra ngoại quốc có số lượng lên tới vài trăm người, trong khi thậm chí các nhóm nhỏ hơn cũng có trên 100 thành viên... Trong cả năm từ bất kỳ nơi nào đó cũng có từ 5 tới 6 hay tới trên 10 nhóm đã được gửi đi". (Sử Ký).
Hậu Hán Thư cũng ghi lại cuộc viếng thăm của phái đoàn người Nguyệt Chi tới kinh đô của Trung Quốc vào năm 2 TCN, những người này đã giảng dạy bằng miệng về các kinh của Phật giáo cho nhiều người Hán, điều này nêu ra giả thuyết là một số người Nguyệt Chi đã theo các niềm tin của Phật giáo từ thế kỷ 1 TCN (Baldev Kumar (1973)).
Bản chú giải của Zhang Shoujie sau này trong thế kỷ 7, trích dẫn từ Nanzhouzhi (văn bản từ thế kỷ 3, hiện đã mất) miêu tả người Quý Sương như là những người sống trong cùng một khu vực chung ở miền bắc Ấn Độ, trong các thành thị kiểu La Mã-Hy Lạp, và với nghề thủ công tinh xảo. Người Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận thuật ngữ "Quý Sương", và vẫn tiếp tục gọi họ là "người Nguyệt Chi":
"Đại Nguyệt Chi nằm ở khoảng 7 ngàn lý (2.500-3.000 km) về phía bắc Ấn Độ. Đất đai của họ nằm ở các cao độ lớn; khí hậu khô; khu vực này hoang vắng. Vua của nước này tự xưng là "con trời". Tại nước này có nhiều ngựa để cưỡi với số lượng thường là đạt tới vài trăm ngàn. Bề ngoài các thành thị và cung điện là hoàn toàn tương tự như của Đại Tần (tên gọi cổ của người Trung Quốc để chỉ đế chế La Mã và Cận Đông). Da của những người này là trắng hồng. Những người này giỏi bắn cung và cưỡi ngựa. Các sản phẩm địa phương, sản vật hiếm, châu báu, quần áo và màn thảm là rất tốt, và thậm chí cả Ấn Độ cũng không thể so sánh với họ".[5]
Bành trướng vào Hindu-Kush
Khu vực Hindu-Kush (Paropamisadae) đã được các vị vua người Ấn Độ-Hy Lạp miền tây cai trị cho đến khi có sự trị vì của Hermaeus (trị vì từ khoảng 90 TCN–70 TCN). Sau thời gian này, không còn vị vua người Ấn Độ-Hy Lạp nào được biết đến nữa trong khu vực, có lẽ là do sự chiếm đóng của người Nguyệt Chi láng giềng, những người đã có quan hệ với người Hy Lạp trong một thời gian dài. Theo Bopearachchi, không có dấu vết nào của sự cư ngụ của người Ấn Độ-Scythia (không có các đồng tiền của các vị vua chính của người Ấn Độ-Scythia, chẳng hạn như Maues hoặc Azes I) được tìm thấy trong khu vực Paropamisadae và miền tây Gandhara.
Giống như họ đã làm ở Bactria với việc sao chép các đồng tiền Hy Lạp-Bactria, người Nguyệt Chi cũng đã sao chép các đồng tiền của Hermeaus ở mức độ lớn, tới khoảng năm 40, khi kiểu thiết kế pha trộn thành đồng tiền của vua Quý Sương Kujula Kadphises.
Hoàng thân đầu tiên của người Nguyệt Chi được ghi chép là Sapadbizes (có lẽ là hoàng thân của yabgu trong liên minh Nguyệt Chi), người trị vì khoảng năm 20 TCN, và được đúc hình trên các đồng tiền với các chữ Hy Lạp, cùng một kiểu như các vị vua Ấn -Hy Lạp miền tây.
Thành lập vương triều Quý Sương
Vào cuối thế kỷ 1 TCN, một trong năm bộ lạc của người Nguyệt Chi, người Quý Sương (貴霜), đã nắm quyền kiểm soát liên minh Nguyệt Chi. Theo một số giả thuyết, người Quý Sương có thể không giống như người Nguyệt Chi, có lẽ là có nguồn gốc từ người Saka. Từ thời điểm này, người Nguyệt Chi mở rộng sự kiểm soát của họ ra các lãnh thổ miền tây bắc của tiểu lục địa Ấn Độ, thành lập ra Đế chế Quý Sương, đã cai trị khu vực này trong vài thế kỷ. Người Nguyệt Chi được các nền văn minh phương Tây biết đến như là người Quý Sương, tuy nhiên, người Trung Quốc vẫn gọi họ là người Nguyệt Chi trong các văn kiện sử sách của họ trong một giai đoạn vài thế kỷ.
Người Nguyệt Chi/ Quý Sương mở rộng về phía đông trong thế kỷ 1, để thành lập đế chế Quý Sương. Vị vua đầu tiên của Quý Sương là Kujula Kadphises đã gắn liền bề ngoài của chính ông với Hermaeus trên các đồng tiền của mình, gợi ý rằng ông là một trong số các hậu duệ của ông này thông qua hôn nhân, hoặc ít nhất là muốn thông báo về quyền hợp pháp của mình.
Sự thống nhất của các bộ lạc Nguyệt Chi và sự lớn mạnh của Quý Sương được ghi chép trong sử sách Trung Quốc như Hậu Hán Thư:
"Hơn một trăm năm sau, hấp hậu (翕候, "hoàng thân liên minh") của Quý Sương (Badakhshan và các lãnh thổ cận kề ở phía bắc sông Oxus), tên là Khâu Tựu Khước (丘就卻- tức Kujula Kadphises) đã tấn công và tiêu diệt bốn hấp hậu khác. Ông tự mình làm vua của vương quốc gọi là Quý Sương (Kushan). Ông xâm chiếm An Tức (Parthia) và chiếm khu vực Cao Phụ (高附- tức Kabul). Ông cũng đánh bại toàn bộ các vương quốc Puta (Parthuaia, 55) và Kế Tân (罽賓, Kapisa-Peshawar). Khâu Tựu Khước (Kujula Kadphises) đã ngoài 80 tuổi khi chết.
Con trai ông, Diêm Cao Trân (閻高珍) (Vima Takto), trở thành vua tại cung điện của ông. Ông đã trở lại và đánh bại Thiên Trúc (天竺-Tây bắc Ấn Độ) và lập ra chức Tổng trấn để kiểm soát và lãnh đạo nó. Người Nguyệt Chi sau đó trở nên rất giàu. Tất cả các vương quốc gọi [vua của họ] là vua Quý Sương (Kushan), nhưng nhà Hán gọi họ theo tên nguyên thủy của họ là Đại Nguyệt Chi". (Hậu Hán Thư,[6]).
Người Nguyệt Chi/Quý Sương đã kết hợp Phật giáo vào trong các đền thờ của nhiều vị thần, họ trở thành những người khởi xướng chính của Phật giáo Đại thừa, và các ảnh hưởng tương tác của họ với nền văn minh Hy Lạp đã giúp cho nền văn hóa Gandhara và Hy Lạp-Phật giáo thịnh vượng.
Trong thế kỷ 1 và 2, Vương triều Quý Sương đã mở rộng các chiến dịch quân sự về phía bắc và chiếm đóng các phần của lòng chảo Tarim, vùng đất ban đầu của họ, đặt nó vào trung tâm của thương mại Trung Á đang sinh lợi với Đế chế La Mã. Họ có liên quan đến việc liên kết quân sự với người Trung Quốc để chống lại sự xâm nhập của các bộ lạc du cư, cụ thể là khi họ liên kết với tướng Trung Quốc là Ban Siêu để chống lại người Sogdian năm 84, khi những người này cố gắng ủng hộ cuộc nổi dậy của vua Kashgar. Khoảng năm 85, họ cũng hỗ trợ người Trung Quốc trong cuộc tấn công Thổ Phồn, ở miền đông lòng chảo Tarim.
Để đòi hỏi sự ghi nhận việc ủng hộ của mình với người Trung Quốc, người Quý Sương đã đòi hỏi (nhưng bị từ chối) các công chúa người Hán, ngay sau khi họ gửi các tặng phẩm cho triều đình Trung Quốc. Để trả thù, họ đã tấn công Ban Siêu năm 86 bằng một lực lượng tới 70.000 quân, nhưng, bị mệt mỏi do cuộc hành quân, cuối cùng họ đã bị lực lượng Trung Quốc ít người hơn đánh bại. Người Quý Sương phải rút lui và cống nộp cho hoàng đế Trung Hoa trong thời gian trị vì của Hán Hòa Đế (89-106).
Thu được lợi từ việc mở rộng lãnh thổ, người Nguyệt Chi/Quý Sương đã nằm trong số những người đầu tiên đưa Phật giáo vào miền bắc và đông bắc châu Á, bằng các cố gắng truyền giáo trực tiếp cũng như việc dịch các kinh sách của Phật giáo sang tiếng Trung. Các nhà truyền giáo và dịch giả lớn như Lokaksema (Chi Lâu Già Sấm) và Dharmaraksa (Trúc Pháp Hộ), là những người đã tới Trung Quốc và lập ra các cụm dịch thuật, bằng cách đó nằm ở trung tâm của Con đường tơ lụa trong chuyển giao của Phật giáo.
Người Trung Quốc giữ việc gọi người Quý Sương như là người Đại Nguyệt Chi trong nhiều thế kỷ. Trong Tam Quốc Chí (三國志, chương 3), người ta ghi chép rằng năm 229 "Vua Đại Nguyệt Chi, Ba Điều (波調 - Vasudeva I), đã gửi phái bộ của mình đến nộp cống phẩm, và Bệ hạ (Hoàng đế Tào Duệ- tức Ngụy Minh Đế) đã ban cho ông ta tước hiệu "Vua Đại Nguyệt Chi Thân thiết với nước Ngụy (魏)."
^Việc diễn giải Kỳ Liên Sơn thành Thiên Sơn như là khu vực cư trú là khái niệm mang tính chất lý thuyết gần đây, phần lớn người ta vẫn tin rằng nó chỉ tới Kỳ Liên như là một quốc gia trong các nguồn cổ đại
^迦腻色伽王与大月氏王系, trích: 月氏为匈奴所灭, 遂迁于大夏, 分其国为休密, 双靡, 贵霜, 肸顿, 都密, 凡五部翕候. Hán Thư 96 "Nguyệt Chi vi Hung Nô sở diệt, toại thiên vu Đại Hạ, phân kì quốc vi Hưu Mật, Song Mĩ, Quý Sương, Hật Đốn, Đô Mật, phàm ngũ bộ hấp hậu"
Hill, John E. 2004. The Western Regions according to the Hou Hanshu. Phác thảo bản dịch chú giải tiếng Anh.[2]
Hill, John E. 2004. The Peoples of the West from the Weilue魏略-Ngụy Lược của Ngư Hoạn 魚豢: A Third Century Chinese Account Composed between 239 and 265 AD. Phác thảo bản dịch chú giải tiếng Anh. Ngụy Lược
Liu, Xinru: Migration and Settlement of the Yuezhi-Kushan. Interaction and Interdependence of Nomadic and Sedentary Societies in: Journal of World History, 12 (No. 2) 2001, p. 261-292. See [3]
"Records of the Great Historian, Han Dynasty II", Tư Mã Thiên, bản dịch tiếng Anh của Burton Watson, Ấn bản Đại học Columbia, ISBN 0-231-08167-7
Mallory, J.P. và Victor H. Mair,The Tarim Mummies. Ancient China and the Mystery of the Earliest Peoples from the West. Thames & Hudson, London 2000. ISBN 0-500-05101-1