Năm 2007, Chính phủ Singapore chấp nhận đấu thầu dự án xây dựng Sân vận động Quốc gia mới và một khu phức hợp thể thao và giải trí đi kèm xung quanh sân vận động (bao gồm một trung tâm thể thao dưới nước). Alpine Mayreder đề xuất thiết kế lấy cảm hứng từ Allianz Arena ở München, Singapore Gold đề xuất thiết kế "Premier Park" (sẽ có mái che có thể thu vào và mái che này có thể sử dụng làm màn chiếu), trong khi Singapore Sports Hub Consortium (SSHC) đề xuất thiết kế "Cool Dome", bao gồm một sân vận động lấy cảm hứng từ hình móng ngựa, có thiết kế thông gió tự nhiên với mái che có thể thu vào.[2][3][4]
Vào ngày 19 tháng 1 năm 2008, Chính phủ Singapore chỉ định SSHC là nhà thầu xây dựng dự án Trung tâm Thể thao và sân vận động. Công việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011.[2] Bộ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng, Thanh niên và Thể thaoVivian Balakrishnan tuyên bố rằng thiết kế của SSHC là "tốt nhất để xây dựng một khu liên hợp thể thao đẳng cấp",[2] và "thể hiện những điểm mạnh đáng kể trong việc thiết kế, văn hóa đồng đội và quan hệ đối tác, chức năng và bố cục".[5]
Do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chi phí xây dựng tăng vọt, Công việc xây dựng sân vận động mới được bắt đầu vào năm 2010. Đến tháng 9 năm 2011, công việc đóng cọc và nền móng của sân vận động đã hoàn thành và công việc lắp khung thép cố định mái che của sân được bắt đầu. Vào tháng 7 năm 2013, khung thép cuối cùng cho 'giàn đường băng' của mái che đã được lắp đặt, đánh dấu hoàn thành công việc lắp đặt khung thép cố định mái che của Sân vận động Quốc gia để chuẩn bị lắp đặt mái che có thể thu vào.[6][7] Sân vận động này dự kiến hoàn thành vào tháng 4 năm 2014, tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2014, Giám đốc điều hành Trung tâm Thể thao Singapore Philippe Collin Delavaud tuyên bố rằng lễ khánh thành Sân vận động Quốc gia được dời sang tháng 6 năm 2014.[8]
Sân vận động được xây dựng trên khu đất rộng 75.000 m2 (810.000 foot vuông), có mái vòm thép cao 83 m (272 ft) với mái che có thể thu vào. Đây là công trình có cấu trúc mái vòm lớn nhất thế giới. Do Singapore nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên mái che của sân được thiết kế để phản chiếu ánh sáng mặt trời nhằm cách nhiệt với bên trong sân, trong khi hệ thống thông gió tự nhiên được sử dụng để làm mát các khán đài. Nhờ đó, sân vận động sử dụng ít năng lượng hơn so với một sân vận động có quy mô tương đương.[10]
Sân vận động này có các cấu hình dành cho bóng đá, bóng bầu dục, điền kinh và cricket.[10] Trong cấu hình bóng đá và bóng bầu dục, tầng ghế ngồi thấp nhất có thể di chuyển về phía trước (che khuất đường chạy điền kinh bên dưới) để giúp khán giả có thể theo dõi trận đấu một cách rõ ràng. Phải mất khoảng 48 giờ để điều chỉnh lại và sắp xếp chỗ ngồi cho phù hợp với sự kiện sắp tới.[11][12][10]
Mặt sân
Khi sân vận động mới được khánh thành, sân sử dụng mặt cỏ Desso GrassMaster — một loại cỏ hỗn hợp bao gồm cỏ tự nhiên kết hợp với cỏ nhân tạo.[13] Sau khi chất lượng mặt sân bị chỉ trích dữ dội (mà đỉnh điểm là đội tuyển rugby union quốc gia New Zealand hủy một trận đấu bóng bầu dục tại sân vận động này trong chuyến du đấu tháng 11 năm 2014 do lo ngại các cầu thủ có thể bị chấn thương),[14] vào tháng 5 năm 2015, mặt cỏ GrassMaster được thay thế bằng Eclipse Stabilised Turf — một loại cỏ hỗn hợp do công ty HG Turf của Úc sản xuất.[15]
Giám đốc điều hành Trung tâm Thể thao Singapore Oon Jin Teik cho biết vi khí hậu độc đáo của sân vận động đã đặt ra những thách thức trong việc chăm sóc và duy trì mặt cỏ GrassMaster.[16]
Giao thông
Hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao (MRT)
Sân vận động nằm ở phía trên ga MRT Sân vận động thuộc Tuyến Vòng tròn. Các chuyến tàu đến sau mỗi năm đến sáu phút trong giờ bình thường và hai đến ba phút trong giờ cao điểm và trong những ngày diễn ra sự kiện. Các ga MRT khác gần sân là ga MRT Kallang được kết nối bằng lối đi có mái che và ga MRT Mountbatten. Ga MRT Tanjong Rhu sắp tới sẽ hỗ trợ cho các ga hiện có sau khi hoàn thành vào năm 2024.
Xe buýt và taxi
Các điểm dừng xe buýt nằm xung quanh khu liên hợp Trung tâm Thể thao Singapore, dọc theo Đường đi bộ Sân vận động, Đại lộ Sân vận động và Đường cao tốc Nicoll, với các xe buýt phục vụ các quận lân cận và thành phố. Các điểm đón taxi cũng rất gần Sân vận động Quốc gia, Sân vận động trong nhà Singapore và Công viên giải trí Kallang, rất thuận tiện để di chuyển.
Trận đấu bóng đá đầu tiên được tổ chức tại sân vận động là trận đấu giao hữu giữa Singapore Selection XI và Juventus vào tháng 8 năm 2014. Trận đấu giao hữu giữa Brasil và Nhật Bản vào tháng 10 năm 2014 là trận đấu đầu tiên mà 55.000 khán giả lấp đầy sân vận động này.[17] Nơi đây cũng đã tổ chức các trận đấu của Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2014 vào tháng 11 năm 2014. Đây là nơi diễn ra tất cả các trận đấu của Barclays Asia Trophy 2015, giải đấu được tổ chức tại Singapore.[18]
Năm 2018, với tư cách là đội tham dự Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2018, Singapore đã thi đấu hai trận đấu vòng bảng tại đây với tư cách là đội chủ nhà.
Vào ngày 15 tháng 7 năm 2022, sân vận động này đã tổ chức trận đấu giao hữu trước mùa giải Standard Chartered Singapore Trophy 2022 giữa Liverpool và Crystal Palace, hai câu lạc bộ đang thi đấu tại Premier League. Trận đấu có 50.217 khán giả dự khán.[19][20][21][22]
Bóng bầu dục
Sự kiện đầu tiên được tổ chức tại sân vận động là giải đấu World Club 10s vào tháng 6 năm 2014.[9]
Vào ngày 9 tháng 8 năm 2016, Sân vận động Quốc gia mới đã tổ chức Lễ diễu hành Ngày Quốc khánh Singapore (NDP). Trước đây, sự kiện này thường được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia cũ, và tại The Float @ Marina Bay – một địa điểm tạm thời trên Vịnh Marina được xây dựng để tổ chức các sự kiện văn hóa và thể thao ngoài trời trong thời gian Sân vận động Quốc gia mới đang được xây dựng. Thiết kế của sân vận động đã dẫn đến những hạn chế và thay đổi khi tổ chức sự kiện, bao gồm: khán giả trong sân vận động khó quan sát được màn trình diễn máy bay của quân đội và pháo hoa ngoài trời do bị mái che che khuất, các phương tiện quân sự bọc thép không thể chạy trên đường chạy điền kinh của sân vận động,[77][78] và Đội Nhảy dù không thể nhảy dù xuống sân vận động có mái che do lo ngại về độ an toàn.[79] Do đó, lễ diễu hành đã kết hợp các màn trình diễn khác nhau, chẳng hạn như màn trình diễn ánh sáng (bao gồm một phân đoạn hiển thị hình ảnh các địa danh của Singapore, được thực hiện bằng công nghệ trình chiếu mapping), "con rối" lớn và các bài thuyết trình nghệ thuật khác.[79][80]
Sự kiện gây ra những phản ứng dữ dội vì chi phí gia tăng so với khi sự kiện được tổ chức tại The Float.[79] Theo hợp đồng giữa Trung tâm Thể thao và Chính phủ Singapore thì mỗi năm, các nhà tổ chức NDP được phép sử dụng sân vận động này miễn phí trong 45 ngày. Tuy nhiên, các kỹ thuật viên và nghệ sĩ biểu diễn cho rằng khung thời gian cần được kéo dài lên 80 ngày, do đó Trung tâm Thể thao đã yêu cầu tăng thêm 26 triệu đô la nhưng sau đó giảm xuống còn 10 triệu đô la.[81]
Vào tháng 10 năm 2017, có thông báo rằng The Float sẽ được tái phát triển thành một địa điểm cố định được gọi là NS Square, và đóng vai trò là địa điểm chính để tổ chức NDP khi sự kiện này không được tổ chức tại The Padang 5 năm một lần. Quyết định này đã đặt ra câu hỏi về việc liệu sân vận động có làm mất đi truyền thống tổ chức các sự kiện cộng đồng mà Sân vận động Quốc gia cũ từng có hay không. Ngược lại, có ý kiến cho rằng việc không tổ chức NDP tại Sân vận động Quốc gia mới sẽ giúp sân có thể tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn, đặc biệt là trong những tháng mùa hè.[82][83] Các kế hoạch tổ chức Giải vô địch điền kinh dành cho người lớn tuổi châu Á và Cúp Merlion tại sân vận động trước đây cũng đã bị hủy bỏ do chi phí thuê quá cao.[84] Với việc NS Square dự kiến được khởi công xây dựng vào năm 2023 và kéo dài đến năm 2026, các nhà tổ chức cho biết NDP năm 2024 có thể sẽ được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia mới một lần nữa.[85]
Sự kiện tôn giáo
Vào tháng 5 năm 2019, Sân vận động Quốc gia đã tổ chức Celebration of Hope, một sự kiện truyền giáo kéo dài ba ngày do Rennis Ponniah chủ trì.[86]
^Wong, Laetitia (ngày 29 tháng 7 năm 2014). “Mariah Carey back in Singapore”. TODAY Online. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2016.
^Toh, Christopher (ngày 12 tháng 3 năm 2015). “Concert review: One Direction”. TODAY Online. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016.