Thiên Thai tông (zh. tiāntāi-zōng 天台宗, ja. tendai-shū) là một tông phái Phật giáo Trung Quốc do Trí Di (538-597) sáng lập. Giáo pháp của tông phái này dựa trên kinh Diệu pháp liên hoa, do đó phái còn được gọi là Pháp Hoa tông.
Thiên Thai tông xem Long Thụ (sa. nāgārjuna) là Sơ tổ vì ba quan điểm chính (Thiên Thai tam quán) của tông phái này dựa trên giáo lý của Long Thụ – đó là: Tất cả mọi hiện tượng dựa lên nhau mà có và thật chất của chúng là tính Không (sa. śūnyatā). Mọi hiện tượng là biểu hiện của một thể tuyệt đối, đó là Chân như (sa. tathatā). Tông phái này gọi ba chân lý đó là không (空), giả (假) và trung (中):
Chân lý thứ nhất cho rằng mọi pháp (sa. dharma) không có một thật thể và vì vậy trống rỗng;
Chân lý thứ hai cho rằng, tuy thế, các pháp vẫn có một dạng tồn tại tạm thời với thời gian và giác quan con người có thể nắm bắt được;
Chân lý thứ ba tổng hợp hai chân lý đầu, cho rằng thể của sự vật lại không nằm ngoài tướng, không thể bỏ hiện tượng để tìm bản chất, thể và tướng là một.
Quan điểm này nhấn mạnh tính toàn thể và xuyên suốt của sự vật. Cái toàn thể và cái riêng lẻ là một. Toàn bộ các pháp có khác nhau nhưng chúng đan lồng vào nhau, cái này chứa đựng cái kia. Không, giả và trung chỉ là một và từ một mà ra.
Các Đại sư của tông phái này hay nói "toàn thể vũ trụ nằm trên đầu một hạt cải" hay "một ý niệm là ba ngàn thế giới." Tổ thứ hai của tông này là Huệ Văn, Tổ thứ ba là Huệ Tư và Tổ thứ tư là Trí Di. Dưới sự lĩnh đạo của Đại sư Trí Di, giáo lý của tông Thiên Thai đã đạt đến tuyệt đỉnh.
Phép tu của Thiên Thai tông dựa trên phép thiền Chỉ quán, và chứa đựng các yếu tố mật tông như Chân ngôn (thần chú, sa. mantra) và Mạn-đồ-la (sa. maṇḍala). Tông này sau được Truyền giáo Đại sư Tối Trừng (767-822), đệ tử của Tổ thứ 10 Thiên thai tông, truyền qua Nhật trong thế kỉ thứ 9. Tại đây, Thiên Thai tông đóng một vai trò quan trọng.
Thiên Thai tông được xem như một tông phái rộng rãi vì tổng hợp, chứa đựng nhiều quan điểm của các phái khác. Sự tổng hợp này phản ánh trong quan điểm "năm thời, tám giáo" (Ngũ thời bát giáo 五時八教), trong quan niệm mọi loài đều có Phật tính và vì vậy Thiên Thai tông có đầy đủ phương tiện đưa đến giác ngộ. Các bộ luận quan trọng của Thiên Thai tông là: Ma-ha chỉ quán (sa. mahā-śamatha-vipāśyanā), Lục diệu pháp môn và những bài luận của Trí Di về kinh Diệu pháp liên hoa.
Phép Chỉ quán của Thiên Thai tông có hai mặt: Chỉ là chú tâm và qua đó thấy rằng mọi pháp đều không. Nhờ đó không còn ảo giác xuất hiện. Quán giúp hành giả thấy rằng, tuy mọi pháp đều không, nhưng chúng có một dạng tồn tại tạm thời, một sự xuất hiện giả tướng và lại có một chức năng nhất định.
Trí Di phân chia kinh sách thành "năm thời và tám giáo" với mục đích hệ thống hoá Phật giáo theo trình tự thời gian và theo nội dung giáo pháp. Sự phân chia đó cũng giúp giải thích các vấn đề siêu hình. Hơn các tông phái khác, Thiên Thai tông là phái tìm cách thống nhất mọi giáo pháp trong hệ thống của mình bằng cách dành cho mọi kinh sách một chỗ đứng và xem Tiểu thừa cũng như Đại thừa đều là những lời dạy của chính Phật Thích-ca.
Sự phân chia làm năm thời dựa trên trình tự thời gian như sau:
Thời giáo Hoa nghiêm. Thời giáo thứ nhất này chỉ kéo dài 3 tuần, theo Trí Di, dựa trên Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh (sa. buddhāvataṃsaka-sūtra) là giai đoạn giáo hoá của Phật ngay sau khi Ngài đắc đạo. Kinh Hoa nghiêm chỉ rõ, toàn thể vũ trụ chỉ là phát biểu của cái tuyệt đối. Thời đó các vị đệ tử của Phật chưa lĩnh hội được điều này.
Thời giáo A-hàm. Vì nhiều người không lĩnh hội kinh Hoa Nghiêm nên Phật bắt đầu giảng các kinh A-hàm (sa. āgama), thời giáo thứ hai. Trong giai đoạn này, Phật chưa nói hết tất cả, chỉ thuyết những điều mà đệ tử có thể hiểu nổi. Phật thuyết Tứ diệu đế, Bát chính đạo và thuyết Duyên khởi. Thời giáo này kéo dài 12 năm.
Thời giáo Phương đẳng. Trong thời giáo này, Phật bắt đầu giảng giai đoạn sơ khởi của Đại thừa. Phật nhắc đến tính ưu việt của một vị Bồ Tát so với một vị A-la-hán và nhấn mạnh đến sự đồng nhất giữa Phật và chúng sinh, giữa tương đối và tuyệt đối.
Thời giáo Bát-nhã-ba-la-mật-đa, kéo dài 22 năm, chứa đựng giáo pháp của kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, tức là nói đến tính Không của vạn sự và cái ảo tưởng giả tạo của mọi hiện tượng nhị nguyên.
Thời giáo Diệu pháp liên hoa và Đại bát-niết-bàn, là thời giáo cuối cùng, bao gồm 8 năm cuối đời đức Phật. Trong thời giáo này, Phật thuyết về thể tính duy nhất của mọi hiện tượng tưởng chừng rất khác biệt. Ba thừa là Thanh văn, Độc giác và Bồ Tát thừa chỉ có giá trị tạm thời và nằm chung trong một thừa duy nhất, đó là Nhất thừa (sa. ekayāna) hay Phật thừa (sa. buddhayāna). Trong thời giáo cuối cùng này, thời giáo của kinh Diệu pháp liên hoa và Đại bát-niết-bàn, Phật đã nói rõ và trọn vẹn nhất giáo lý của mình.
Thiên Thai tông cũng chia giáo pháp đức Phật ra làm tám hệ thống, trong đó bốn hệ thống dựa trên phương pháp và bốn dựa trên tính chất. Bốn hệ thống có tính phương pháp luận là:
Phương pháp đốn ngộ, dành cho hạng đệ tử xuất sắc nhất có khả năng tiếp cận sự thật nhanh chóng. Đó là phương pháp của kinh Hoa nghiêm;
Phương pháp tiệm ngộ, đi từ giản đơn đến phức tạp, là phương pháp của các kinh A-hàm, Phương đẳng, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Còn kinh Diệu pháp liên hoa lại không thuộc "đốn" hay "tiệm" mà chứa đựng sự thật cuối cùng;
Phương pháp mật giáo, là cách Phật dạy cho một người nhất định và chỉ người đó được lĩnh hội. Phương pháp này có thể được Phật áp dụng trong chốn đông người, nhưng nhờ thần thông của Phật chỉ có người đó được hiểu;
Phương pháp bất định, là phương pháp Phật dùng dạy cho nhiều người, nhưng mỗi người nghe hiểu khác nhau. Hai phương pháp 3 và 4 được Phật áp dụng khi người nghe có trình độ không đồng đều.
Thông giáo - Giáo pháp tổng quát, bao gồm Tiểu thừa và Đại thừa, dành cho Thanh Văn, Độc Giác Phật và Bồ Tát cấp thấp.
Biệt giáo - Giáo pháp đặc biệt dành cho Bồ Tát
Viên giáo - Giáo pháp viên mãn, tức là giáo pháp trung quán phá bỏ mọi chấp trước. Kinh Hoa nghiêm đại diện cho giáo pháp 3 và 4. Kinh A-hàm là kinh của Tiểu thừa. Các kinh hệ Phương đẳng chứa đựng cả bốn giáo pháp. Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa chứa giáo pháp 2, 3, 4. Cuối cùng thì chỉ có kinh Diệu pháp liên hoa hàm chứa giáo pháp viên mãn.
Đặt tên
Tên của Thiên Thai Tông có hai cách giải thích. Thứ nhất, tên này có thể là tên người. Theo sách Thiên Thai Tứ Giáo Nghi Tập Chú (天台四教儀集注) của Mông Nhu (蒙潤) thời Nguyên, vì núi Thiên Thai là nơi cư trú và nhập diệt của Trí Di, người sáng lập thực sự của Thiên Thai Tông, nên theo phong tục Trung Quốc, để thể hiện sự tôn kính, tên của núi được dùng để đại diện cho Trí Di. Thứ hai, tên này được đặt theo tên núi. Trong sách Bát Tông Cương Yếu của Ngưng Nhiênthời kỳ Kamakura (Nhật Bản), có một câu hỏi về lý do tông phái này được gọi là Thiên Thai Tông, câu trả lời là vì tông phái này phát triển từ núi Thiên Thai.[1]
Người ta thường cho rằng tên gọi này được sử dụng chính thức đầu tiên trong sách Pháp Hoa Kinh Đại Ý (法華經大意) của Trạm Nhiên (湛然) đời Đường, trong đó có câu: “Giải thích một bộ kinh diệu nghĩa hai mươi tám phẩm này, là công của nhiều nhà, nay tạm quy về Thiên Thai Tông vậy.”[2]
Thiên Thai Tông còn được gọi bằng các tên khác như “Pháp Hoa Tông” hay “Chỉ Quán Tông.” Tên “Pháp Hoa Tông” xuất phát từ việc tông này dựa vào kinh Diệu Pháp Liên Hoa làm cơ sở lý luận, coi các tác phẩm của Trí Di như Pháp Hoa Huyền Nghĩa (法華玄義), Pháp Hoa Văn Cú, và Ma Ha Chỉ Quán làm kinh điển căn bản. Tên “Chỉ Quán Tông” xuất phát từ việc tông này đặc biệt chú trọng vào việc thực hành đồng thời cả chỉ (samatha) và quán (vipassanā).[3]
Quá trình hình thành và phát triển
Giai đoạn sơ khởi
Thiên Thai Tông hình thành vào cuối thời nhà Trần và đầu thời nhà Tùy, chính thức được thành lập vào đầu thời Tùy. Xét về dòng truyền thừa pháp thống, Thiên Thai Tông đã xây dựng một hệ thống tổ sư bắt đầu từ Ca Diếp (Tổ thứ nhất) ở Ấn Độ, qua Long Thọ (Tổ thứ mười ba), và kết thúc với Sư Tử Tỳ Kheo (Tổ thứ hai mươi ba), gọi là hệ thống “Kim Khẩu Tương Thừa.” Xét về truyền thừa tư tưởng, tông này xác định dòng truyền thừa bắt đầu từ Long Thọ (Cao Tổ) ở Ấn Độ, qua Huệ Văn thời Bắc Tề (Tổ thứ hai), Huệ Tư ở Nam Nhạc (Tổ thứ ba), và cuối cùng là Trí Di ở Thiên Thai (Tổ thứ tư), gọi là hệ thống “Kim Sư Tương Thừa.” Các tác phẩm Đại Trí Độ Luận và Trung Luận của Long Thọ được truyền vào Trung Quốc, được Cưu Ma La Thập dịch và quảng bá. Các tư tưởng này sau đó được tiếp thu và phát triển bởi Huệ Văn, Huệ Tư, và cuối cùng là Trí Di, trở thành nguồn gốc quan trọng của tư tưởng Thiên Thai Tông. Huệ Văn, nhờ đọc Đại Trí Độ Luận, đã chứng ngộ được ý nghĩa vi diệu của “Nhất Tâm Tam Trí.” Khi đọc Trung Luận, ông đã giác ngộ đạo lý trung đạo, không phân biệt giữa không và có, từ đó thiết lập quan niệm “Tam Đế Nhất Tâm” (không, giả, trung hợp nhất), cũng chính là phương pháp “Nhất Tâm Tam Quán,” và được tôn làm Tổ thứ hai của Thiên Thai Tông. Sau đó, ông truyền pháp cho đệ tử là Huệ Tư. Huệ Tư kế thừa thiền pháp của Huệ Văn. Ban ngày, ông làm tròn trách nhiệm trong tăng đoàn; ban đêm, ông ngồi thiền và tu định. Cuối cùng, ông thông đạt và dung hợp được pháp môn Đại thừa Pháp Hoa Tam Muội. Huệ Tư chủ trương rằng Bát Nhã và Pháp Hoa là hai cột trụ lý luận và thực hành, từ đó đặt nền tảng cho việc giảng dạy “Hai cửa giáo và quán” của Thiên Thai Tông, và được tôn làm Tổ thứ ba.[4]
Trí Di là người tổng hợp và hệ thống hóa tư tưởng của Thiên Thai Tông, được xem là người sáng lập thực sự của tông này và được tôn làm Tổ thứ tư. Năm Thái Kiến thứ 7 (575), Trí Giả ẩn tu tại núi Thiên Thai. Chín năm ẩn tu tại đây là thời kỳ quan trọng trong sự nghiệp hoằng pháp của ông. Dựa trên nền tảng Phật học Kim Lăng, thông qua việc nghiên cứu hệ thống về thiền giáo và chỉ quán, ông đã phát triển tư tưởng “Nhất Tâm Tam Quán” và “Thập Như Thị,” tiến tới lý thuyết “Nhất Niệm Tam Thiên” và “Tam Đế Viên Dung.” Thiên Thai Tông lấy những tư tưởng này làm nền tảng, từ đó hình thành hệ thống tư tưởng độc đáo về “Tính Cụ.” Dựa trên tư tưởng của Long Thọ, Huệ Văn, và Huệ Tư, Trí Di đã phân tích sâu sắc kinh Pháp Hoa, từ đó hoàn thiện hệ thống tư tưởng của Thiên Thai Tông. Ông đã soạn ba tác phẩm kinh điển là Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, và Ma Ha Chỉ Quán, được gọi chung là “Thiên Thai Tam Đại Bộ.” Nhờ sự hỗ trợ vật chất của Trần Tuyên Đế (Trần Húc), kinh tế tự viện độc lập của Thiên Thai Tông được thiết lập. Núi Thiên Thai trở thành trung tâm hoạt động của Trí Di và các đệ tử. Khi số lượng tín đồ ngày càng tăng, hệ thống tổ chức tôn giáo của Thiên Thai Tông bắt đầu hình thành. Trước khi viên tịch, Trí Di đã nỗ lực bảo vệ sự nghiệp Phật giáo và tăng đoàn. Trong di chúc, ông yêu cầu Tấn Vương Dương Quảng chăm lo đến Thiên Thai Tông và phát triển Phật giáo. Dương Quảng đã thực hiện di nguyện này, xây dựng chùa, ban đầu đặt tên là “Thiên Thai.” Khi lên ngôi, Dương Quảng đổi tên chùa thành “Quốc Thanh” vào năm Đại Nghiệp thứ nhất (605), đồng thời ban tặng nhiều đất đai màu mỡ và tiền vật dụng hàng ngày. Các ngôichùa khác, như chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu, cũng được bảo đảm kinh tế nhờ Dương Quảng làm đàn việt (người bảo trợ). Như vậy, núi Thiên Thai ở Chiết Giang và núi Ngọc Tuyền ở Kinh Châu trở thành các trung tâm hoạt động quan trọng của Thiên Thai Tông, tạo nên nền tảng kinh tế tự viện vững chắc, góp phần vào sự phát triển hưng thịnh của Thiên Thai Tông trong những giai đoạn sau này.[5]
Giai đoạn cực thịnh rồi "thủ thành"
Thời nhà Đường là giai đoạn phát triển và duy trì của Thiên Thai Tông. Trí Khải, người sáng lập tông phái này, có rất nhiều đệ tử, trong đó nổi bật nhất là Quán Đỉnh, tổ thứ năm của Thiên Thai Tông vào thời Tùy mạt Đường sơ. Quán Đỉnh đã viết nhiều tác phẩm, bao gồm “Đại Bát Niết Bàn Kinh Huyền Nghĩa” (kèm chú giải) và “Quán Tâm Luận Sớ”, với tổng số hàng chục quyển. Đồng thời, Quán Đỉnh có tài năng ghi chép xuất sắc. Vì thường xuyên ở bên Trí Khải, ông đã ghi lại một cách hoàn chỉnh những lời giảng dạy của thầy mình. Quyển 7 của “Phật Tổ Thống Kỷ” đã ca ngợi công lao kết tập của ông sánh ngang với tôn giả A-nan. Nếu không có Quán Đỉnh, đạo pháp của Trí Khải có thể đã không được lưu truyền. Ngoài ra, Quán Đỉnh còn tuân theo di nguyện của Trí Khải, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chùa Quốc Thanh ở Thiên Thai. Tóm lại, Quán Đỉnh đã học hỏi Trí Khải hơn 20 năm, không chỉ kế thừa tư tưởng Phật pháp mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển của Thiên Thai Tông.[6]
Sau khi triều Tùy sụp đổ, Thiên Thai Tông mất đi sự ủng hộ của triều đình. Thêm vào đó, vào đầu triều Đường, các tông phái từ Biệt Giáo, Luật Tông, Hoa Nghiêm, Mật Tông đến Thiền Tông lần lượt nổi lên, khiến Thiên Thai Tông dần suy yếu. Trong giai đoạn này, các tổ thứ sáu (Trí Uy), thứ bảy (Huệ Uy), và thứ tám (Huyền Lãng) không có sức ảnh hưởng lớn. Đến đời tổ thứ chín, Trạm Nhiên, sau 20 năm nghiên cứu giáo pháp của Thiên Thai Tông, ông đã phát huy rộng rãi giáo lý Thiên Thai trong bối cảnh các tông phái như Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, Luật, Thiền, và Mật đang thịnh hành. Trạm Nhiên được gọi là “tổ trung hưng” của Thiên Thai Tông. Ông đã viết hơn 20 tác phẩm, trong đó có “Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Thiêm”, “Pháp Hoa Văn Cú Ký”, “Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết”, và “Chỉ Quán Nghĩ Kim Cương Tỳ”, đồng thời đề xuất quan niệm “phi tình Phật tính” và “vô tình hữu tính,” cho rằng cỏ cây, gạch đá cũng có Phật tính. Ngoài ra, Trạm Nhiên còn kết hợp tư tưởng từ “Đại Thừa Khởi Tín Luận”, cung cấp những luận giải mới về học thuyết của Trí Khải, đặt nền tảng cho giáo học Thiên Thai Tông thời Tống, thúc đẩy sự phát triển của Thiên Thai Tông. Các đệ tử của ông bao gồm Đạo Toại, Hành Mãn, Nguyên Hạo, Đạo Tiềm, và Minh Khoáng; trong đó, Đạo Toại truyền pháp cho Tông Dĩnh và Lương Tư. Khi các tăng lữ Nhật Bản như Tối Trừng và đệ tử của ông là Nghĩa Chân đến Trung Quốc cùng sứ đoàn nhà Đường, họ đã theo học giáo lý Thiên Thai từ các đệ tử của Trạm Nhiên như Đạo Toại và Hành Mãn. Do đó, Tối Trừng trở thành người Nhật đầu tiên tiếp nhận truyền pháp từ hệ phái của Trạm Nhiên. Sau khi trở về Nhật Bản, Tối Trừng đã sáng lập Thiên Thai Tông Nhật Bản trên núi Hiei (Tỷ Duệ).[7]
Vào cuối triều Đường và thời Ngũ Đại Thập quốc, Phật giáo Trung Quốc trải qua nhiều biến cố lớn. Ngoại trừ Thiền Tông vẫn phát triển mạnh mẽ, các tông phái khác đều suy yếu. Phật giáo Thiên Thai cũng rơi vào khủng hoảng do các kinh điển bị thất lạc gần như hoàn toàn. Đến đầu triều Tống, Thiên Thai Tông đã ở trong tình trạng “giảng dạy giáo lý bị gián đoạn, truyền thừa chính thống không rõ ràng, dẫn đến mỗi người có cách nhìn riêng”.[8]
Giai đoạn duy trì và tranh luận
Sau thời kỳ chiến loạn kéo dài mang tên Ngũ Đại Thập Quốc, trọng tâm Phật giáo Trung Quốc thời Tống bắt đầu chuyển dịch về phía Nam. Đây cũng là giai đoạn Thiên Thai Tông vừa duy trì vừa đối mặt với nhiều tranh luận. Trong biến cố Hội Xương pháp nạn do Đường Vũ Tông khởi xướng, nhiều kinh điển Phật giáo bị tổn thất nghiêm trọng, chùa Quốc Thanh bị phá hủy, và Thiên Thai Tông suy yếu. Đến năm Hiển Đức thứ hai (955), Chu Thế Tông nhà Hậu Chu lại hạ chiếu diệt Phật. May mắn thay, Thiên Thai Tông tọa lạc tại vùng đất Ngô Việt, được gia tộc họ Tiền của Ngô Việt Vương bảo vệ, nên vẫn giữ được một chi phái. Tuy nhiên, theo quyển 7 “Tống Cao Tăng Truyện”, tông phái này rơi vào tình trạng giáo pháp phân tán, và trong kho kinh điển ở Cổ Tạng Kim Hoa, chỉ còn lại “Tịnh Danh Sớ”. Trước bối cảnh đó, Nghĩa Tịch đã tìm đến Quốc sư Thiên Thai là Đức Thiều Thiền Sư của Ngô Việt để xin trợ giúp. Cuối cùng, Ngô Việt Vương đã phái sứ giả ra nước ngoài tìm kiếm kinh điển Thiên Thai, mở ra cơ hội phục hưng tông phái. Nghĩa Tịch được tôn làm tổ thứ 12 của Thiên Thai Tông. Một trong những môn đệ của ông là Nghĩa Thông, người đến từ Cao Ly để học hỏi giáo pháp từ Nghĩa Tịch. Nghĩa Thông đã hoằng dương giáo quán và trở thành tổ thứ 13. Ông sáng lập chùa Bảo Vân ở Tứ Minh, kế thừa và phát triển tư tưởng của Trí Khải và Trạm Nhiên, đồng thời hoàn thiện hệ thống tư tưởng của mình, làm cho tư tưởng Thiên Thai thêm phần hoàn chỉnh. Quyển 8 “Phật Tổ Thống Kỷ” đã ca ngợi Nghĩa Thông là người tiếp thu toàn diện và chỉnh đốn những dị đoan để khôi phục chính thống.[9]
Dưới tác động của các sự kiện này, Thiên Thai Tông thời Tống tập trung phát triển tại các khu vực như Hàng Châu và đã xuất hiện một loạt cao tăng nghiên cứu giáo nghĩa. Đồng thời, chịu ảnh hưởng từ phong trào phục hưng Nho học, trong nội bộ Thiên Thai Tông đã diễn ra một cuộc tranh luận kéo dài về tính chân thực của bản “Kim Quang Minh Huyền Nghĩa” do Trí Khải biên soạn. Cuộc tranh luận xoay quanh sự khác biệt trong lý thuyết về “Chân tâm quán” và “Vọng tâm quán,” dẫn đến sự phân chia Thiên Thai Tông thành hai phái “Sơn Gia” và “Sơn Ngoại”. Phái Sơn Gia có các triết gia như Tứ Minh Tri Lễ (960–1028) và Từ Vân Tuân Thức. Tri Lễ viết các tác phẩm như “Chỉ Yếu Sao” và “Diệu Tông Sao”. Một môn đệ khác của Nghĩa Tịch là Từ Quang Chí Nhân đã truyền pháp cho Ngộ Ân, Nguyên Thanh, Hồng Mẫn, Cô Sơn Trí Viên (976–1022), và Phạn Thiên Khánh Chiêu (963–1017). Nhánh này được gọi là phái Sơn Ngoại. Tuy nhiên, học thuyết của phái Sơn Ngoại bị chỉ trích là không thuần chính và nhanh chóng suy tàn. Trong khi đó, phái Sơn Gia dưới sự lãnh đạo của Tứ Minh Tri Lễ đã phát triển mạnh mẽ. Các học trò của ông, gồm Quảng Trí Thượng Hiền, Thần Chiếu Bản Như, và Nam Bình Phạn Chân, được gọi là “Tứ Minh Tam Gia”.[10]
Về định hướng chính của Thiên Thai Tông thời Tống, ngoài các cuộc tranh luận lý thuyết xoay quanh “Chân tâm quán” và “Vọng tâm quán,” việc thực hành cụ thể đã phát triển theo hướng phổ biến niệm Phật tam muội do Trí Khải đề xướng. Điều này giúp Thiên Thai Tông hòa nhập với tín ngưỡng Tịnh độ (净土) A Di Đà đang thịnh hành, dẫn đến sự phát triển các lý thuyết và thực hành hợp nhất giữa Thiên Thai Tông và Tịnh Độ hoặc Thiên Thai Tông và Thiền Tông. Những điều này đã góp phần quan trọng vào sự chuyển hướng Tịnh độ hóa của Phật giáo từ thời Tống trở về sau. Song song với việc quảng bá niệm Phật Tịnh Độ, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo quần chúng, Thiên Thai Tông thời Tống đã hoàn thiện các nghi thức do Trí Khải sáng lập, đặc biệt là Pháp hội Thủy Lục (水陆法会) và các pháp sám khác.[11]
Nguyên - Minh - Thanh
Trong thời kỳ Nguyên - Minh, do Thiền Tông trỗi dậy và phát triển mạnh tại núi Thiên Thai, ngay cả chùa Quốc Thanh - tổ đình (祖庭) của Thiên Thai Tông - cũng “thay giáo thành Thiền,” khiến Thiên Thai Tông một lần nữa rơi vào tình trạng trầm lắng. Mãi đến cuối thời Minh, Bách Tùng Chân Giác cùng đệ tử của ông là U Khê Truyền Đăng mới khôi phục lại giáo quán của Thiên Thai Tông. Họ tái lập tổ đình tại chùa Cao Minh (高明寺), đưa Thiên Thai Tông trở lại thời kỳ thịnh vượng. U Khê Truyền Đăng đã học “Pháp Hoa” từ pháp sư Bách Tùng Chân Giác, nghiên cứu giáo quán Thiên Thai và dành cả đời để phục hưng tông phái đang suy tàn này. Tác phẩm tiêu biểu của ông, “Tính Thiện Ác Luận”, tập trung khai triển tư tưởng về “Pháp môn tính ác” của Thiên Thai Tông từ thời Tống. Ông lập luận về “tính thiện và tính ác” từ góc độ tu tập, đồng thời nhấn mạnh sự khác biệt giữa luận thuyết về tính thiện ác của Thiên Thai Tông và quan điểm về tính thiện, tính ác trong Nho giáo.[12]
Vào cuối thời Minh, Ngẫu Ích Trí Húc (蕅益智旭) đã vận dụng các học thuyết của Duy Thức và Thiền Tông để hoằng dương giáo quán Thiên Thai. Ngẫu Ích Trí Húc từng dùng phương pháp “rút thăm” để xác định cách chú giải “Phạm Võng Kinh”, và thường xuyên rút được thăm của Thiên Thai Tông. Điều này khiến ông bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu kinh điển Thiên Thai, từ đó quyết tâm thiên về tông phái này. Sau khi đọc các kinh điển Thiên Thai, ông cảm thán sâu sắc và thậm chí nói rằng: “Người xưa nói Thiên Thai tồn tại thì Phật pháp tồn tại, Thiên Thai diệt thì Phật pháp diệt, quả thật không lừa ta.”. Dù Ngẫu Ích Trí Húc nghiên cứu sâu rộng về kinh điển Thiên Thai nhưng ông không tự nhận là đệ tử Thiên Thai Tông. Tuy vậy, ông vẫn biên soạn nhiều tác phẩm quan trọng về Thiên Thai Tông, bao gồm “Pháp Hoa Hội Nghĩa”, “Đại Thừa Chỉ Quán Thích Yếu”, và “Giáo Quán Cương Tông” (教观纲宗), đóng góp to lớn vào sự phát triển của Thiên Thai Tông. [13]
Hiện đại
Từ khi Ngẫu Ích Trí Húc (蕅益智旭) thời Minh sáng lập phái “Linh Phong” với phương pháp tu tập kết hợp Tịnh Độ, xu hướng hội nhập Tịnh Độ của Thiên Thai Tông ngày càng rõ rệt. Đến thời cận đại, các học giả Thiên Thai Tông chủ yếu chú trọng vào thực hành niệm Phật Tịnh Độ, trong khi việc phát huy rộng rãi giáo nghĩa Thiên Thai dần trở nên mờ nhạt. Những học giả nổi tiếng của Thiên Thai Tông thời cận đại gồm Quan Trúc, Quảng Hiển, Huyễn Nhân, Thông Trí, Mẫn Hi, Tổ Ấn, và Đế Nhàn. Phật học của họ thường kết hợp với Thiền hoặc Tịnh Độ, phù hợp với xu hướng chung của Phật giáo Trung Quốc thời cận đại.[14]
Đế Nhàn là truyền nhân của phái “Linh Phong” và được xem là một trong những bậc thầy lớn của Thiên Thai Tông thời cận đại. Tuy nhiên, ông cũng chỉ thực hành theo phương châm “Hành quy Tịnh Độ, giáo diễn Thiên Thai”, đồng thời dung hòa ba yếu tố Giáo, Thiền và Tịnh. Tại chùa Quán Tông, ông thành lập “Quan Tông Nghiên Cứu Xã”, chiêu mộ những tăng sĩ có căn cơ vững chắc để giảng dạy toàn bộ kinh điển lớn nhỏ của Thiên Thai Tông, đào tạo nhân tài cho tông phái. Năm Dân Quốc thứ 17 (1928), Quan Tông Nghiên Cứu Xã đổi tên thành “Hoằng Pháp Nghiên Cứu Xã”, xây dựng tăng xá với quy mô lớn hơn và bắt đầu xuất bản “Hoằng Pháp Nguyệt San”. Chùa Quan Tông từ đó trở thành một đạo tràng (道场) quan trọng của Thiên Thai Tông thời cận đại. Đế Nhàn đã có những đóng góp to lớn trong việc truyền bá giáo nghĩa Thiên Thai, với các tác phẩm như “Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Chỉ Vị Sớ”, “Viên Giác Kinh Giảng Nghĩa”, “Kim Cang Kinh Tân Sớ”, “Thủy Chung Tâm Yếu Giải”, “Quán Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa”, và “Giáo Quán Cương Tông Giảng Ký”. Những tác phẩm này được hậu thế biên soạn thành “Đế Nhàn Đại Sư Di Tập” gồm 10 tập.[15]
Tuy nhiên, sau thời Đế Nhàn, các đệ tử của ông lại phân hóa và phát triển theo từng khu vực riêng. Bảo Tĩnh kế thừa trụ trì chùa Quan Tông ở Ninh Ba; Đàm Hư sáng lập chùa Lăng Nghiêm (楞严寺) ở Doanh Khẩu, chùa Cực Lạc (极乐寺) ở Cáp Nhĩ Tân, chùa Bát Nhã ở Trường Xuân, và chùa Trạm Sơn ở Thanh Đảo, tất cả đều theo phương châm “Giáo tông Thiên Thai, Hành quy Tịnh Độ”, đồng thời bảo tồn dòng truyền thừa Thiên Thai vào thời kỳ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhìn chung, Phật giáo Thiên Thai thời cận đại chỉ dừng lại ở việc duy trì một mạch sống nhỏ nhoi để tiếp tục tồn tại.
.[16]
Trong cuộc Nội chiến Trung Quốc, nhiều pháp tử của Đế Nhàn, bao gồm Đàm Hư và Bảo Tĩnh, đã di chuyển đến Hồng Kông. Tại đây, họ đã góp phần thiết lập truyền thống Thiên Thai, biến Hồng Kông trở thành một trung tâm mạnh mẽ của Thiên Thai Tông. Truyền thống này được duy trì thông qua các pháp tử của họ.[17]
Pháp tử của Bảo Tĩnh là Giác Quang đã thành lập chùa Quán Tông ở Hồng Kông và truyền thừa dòng pháp này đến nhiều tăng sĩ đến từ Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Đài Loan và Trung Quốc đại lục.[18] Pháp tử của Đàm Hư là Vĩnh Hưng đã sáng lập chùa Tây Phương tại Hồng Kông cùng với nhiều ngôi chùa khác ở Malaysia và Hoa Kỳ. Ông cũng thành lập Hội Phật giáo Texas và chùa Ngọc Phật tại Mỹ[19] Ngoài ra, các tăng sĩ khác từ dòng pháp này đã góp phần tái giới thiệu truyền thống Thiên Thai từ Hồng Kông trở lại Trung Quốc đại lục, hỗ trợ việc tái thiết Phật giáo Trung Quốc sau cải cách kinh tế Trung Quốc.[20]
Ngôi chùa cổ Quốc Thanh trên núi Thiên Thai, bị hủy hoại và bỏ bê, được trùng tu theo yêu cầu của Chu Ân Lai. Ngày nay, chùa Quốc Thanh là một trung tâm quan trọng của Thiên Thai Tông Trung Quốc và là một điểm hành hương lớn cho các tín đồ Thiên Thai Nhật Bản (Tendai).[21]
Truyền thừa
Danh sách truyền thừa các tổ sư danh tiếng nhất của Tông Thiên Thai do hậu thế tôn xưng:
Tôn giả Bắc Tề Huệ Văn (tk 5-6)
Tôn giả Nam Nhạc Huệ Tư (515-577)
Tôn giả Thiên Thai Trí Khải (538-597)
Tôn giả Chương An Quán Đỉnh (561-632)
Tôn giả Pháp Hoa Trí Uy
Tham khảo
^Lạc Hải Phi. Lược sử Thiên Thai Tông [M]. Thượng Hải: Nhà xuất bản Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, 2014-01: 1. ISBN: 978-7-80745-633-9.
^Tịnh Mân. Cấu trúc cơ bản của Thiên Thai Tông [J]. Tạp chí Chiết Giang, 2006, (4)
^Khả Tiềm. Sự thành lập chùa Quốc Thanh [J]. Nghiên cứu Phật học, 2010
^Nghiêm Bắc Minh. Lược sử triết học Phật giáo Trung Quốc [M]. Thượng Hải: Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải, 1985
^Trương Gia Thành. Văn hóa Phật giáo Trung Quốc [M]. Hàng Châu: Nhà xuất bản Đại học Chiết Giang, 2011-8: 652-655. ISBN: 978-7-308-08958-6
^Lao Tư Quang. Tân biên lịch sử triết học Trung Quốc, quyển 2 [M]. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Sinh Hoạt - Đọc Sách - Tri Thức Tam Liên, 2014-08: 234-235. ISBN: 978-7-108-05232-2.
^Ziporyn, Brook. Anti-Chan Polemics in Post-Tang Tiantai. Journal of the international Association of Buddhist Studies Volume 17 • Number 1 • Summer 1994
^Randall L. Nadeau (editor). The Wiley-Blackwell Companion to Chinese Religions, pg. 108
^Randall L. Nadeau (editor). The Wiley-Blackwell Companion to Chinese Religions, pg. 109
^Walsh, Michael J. Review of Buddhism in the Sung Edited by Peter N. Gregory and Daniel A. Getz
^Ma, Yung-fen. The Revival of Tiantai Buddhism in the Late Ming: On the Thought of Youxi Chuandeng (1554–1628), 2011
^Jiang Wu, Enlightenment in Dispute: The Reinvention of Chan Buddhism in Seventeenth Century China, Oxford University Press, 20087
^Ji Zhe, Gareth Fisher, André Laliberté (2020). Buddhism after Mao: Negotiations, Continuities, and Reinventions, pp. 136-138. University of Hawaii Press.
^Ji Zhe, Gareth Fisher, André Laliberté (2020). Buddhism after Mao: Negotiations, Continuities, and Reinventions, pp. 139-140. University of Hawaii Press.
^Ji Zhe, Gareth Fisher, André Laliberté (2020). Buddhism after Mao: Negotiations, Continuities, and Reinventions, p. 140. University of Hawaii Press.
^Ji Zhe, Gareth Fisher, André Laliberté (2020). Buddhism after Mao: Negotiations, Continuities, and Reinventions, p. 140. University of Hawaii Press.
Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-Guang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.