Vũ Cao |
---|
Vũ Cao |
Thông tin cá nhân |
---|
Sinh | |
---|
Tên khai sinh | Vũ Hữu Chỉnh |
---|
Ngày sinh | (1922-02-18)18 tháng 2, 1922 |
---|
Nơi sinh | Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định |
---|
|
Mất | |
---|
Ngày mất | 3 tháng 12, 2007(2007-12-03) (85 tuổi) |
---|
Nơi mất | Hà Nội |
---|
|
Quốc tịch | Việt Nam |
---|
Dân tộc | Kinh |
---|
|
Vũ Cao (18 tháng 2 năm 1922 - 3 tháng 12 năm 2007) [1] là một nhà thơ Việt Nam.
Tiểu sử
Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chỉnh quê ở xã Liên Minh huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Ông sinh trong một gia đình nho học và hoạt động văn học khá sớm, những năm đầu Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (kháng chiến chống Pháp) ông làm báo Chiến sĩ ở Liên khu IV rồi làm phóng viên báo Vệ quốc quân, Báo Quân đội nhân dân. Từ năm 1957, ông làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội và trở thành chủ nhiệm trong nhiều năm. Từ Sau năm 1975 ông giải ngũ, làm giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu ông sống ở Hà Nội. Ông là anh ruột của các nhà văn Vũ Tú Nam, Vũ Ngọc Bình. Tuy được biết đến như là một nhà thơ với bài thơ Núi Đôi nổi tiếng đã được đưa vào sách giáo khoa của Việt Nam nhưng Vũ Cao còn sáng tác văn xuôi. Ông mất năm 2007 tại Hà Nội.
Vũ Cao được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Tác phẩm chính
- Sớm nay (Thơ năm 1962)
- Đèo trúc (Thơ năm 1973)
- Núi Đôi (Thơ năm 1956)
- Chuyện dân gian (thơ)
- Thơ của Bác (thơ)
- Truyện một người bị bắt (Tập truyện ngắn năm 1958)
- Những người cùng làng (Tiểu thuyết năm 1960)
- Em bé bên bờ sông Lai Vu (Truyện năm 1960)
- Anh em anh chàng Lược (Truyện 1965)
- Trong một gia đình (Truyện 1966)
- Từ một trận địa (Năm 1973)
Bài thơ Núi Đôi
Bài chi tiết: Núi Đôi
Bài thơ Núi Đôi được Vũ Cao sáng tác dựa trên một câu chuyên có thật. Người con gái trong bài thơ là Trần Thị Bắc một nữ du kích Việt Minh quê ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài - Đoài Đông xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Làng Xuân Đoài trước kia là thôn Đoài (thôn phía tây) của làng Xuân Dục. Sau này làng tách ra, người trong vùng quen gọi là thôn Xuân Đoài. Lời thơ kể về một chuyện tình yêu lãng mạn và bi tráng của cô du kích và anh bộ đội Trịnh Khanh cùng quê.
Năm 1956, ông Vũ Cao có thời gian công tác ở sư đoàn 312, đóng quân tại huyện Sóc Sơn, bên cạnh núi Đôi. Khi sáng tác, ông chưa từng gặp người lính trong câu chuyện, cũng không biết cô du kích ở núi Đôi đã kết hôn với người lính. Đám cưới của họ diễn ra ở vùng tự do, gia đình lại phải giấu kín vì chiến tranh. Sau 20 năm kể từ khi bài thơ được viết, tác giả Vũ Cao mới gặp người chiến sĩ trong chuyện thơ của mình. Ông từng bộc bạch không hiểu sao lại có sự đồng cảm với người lính Trịnh Khanh đến vậy.
Liệt sĩ Trần Thị Bắc đi kháng chiến, được cử học lớp y tá ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội rồi quen anh bộ đội Trịnh Khanh cùng quê. Tình yêu bùng cháy, họ ước hẹn sau khi chiến thắng trận Bắc Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) sẽ cưới nhau.
Trần Thị Bắc về quê được giao nhiệm vụ làm quân bưu và địch vận. Đêm 21 tháng 3 năm 1954, chị Bắc được giao nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ ra vùng tự do để chuẩn bị trận đánh lớn. Qua núi Đôi, đến ngòi Đầm Sen thì họ gặp phục kích. Chị hy sinh, đồng đội đưa chị lên chôn dưới chân gò Cầu Cồn mà nay thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn.
Hòa bình lập lại, anh Trịnh Khanh mới về được quê nhà. Ở chiến trường, anh đã nhận được hai bức thư. Một bức thư của vợ kèm theo một chiếc đồng hồ và một chiếc khăn len kỷ vật. Một bức thư khác là của gia đình báo tin vợ anh đã hi sinh
Từ con rể, anh Khanh trở thành anh cả trong gia đình người vợ đã mất. Chính mẹ chị Bắc là người đã mai mối và hỏi vợ cho anh Khanh. Mọi người tin rằng đó cũng là ước nguyện của hương hồn chị Bắc, chị vẫn mong anh thanh thản tâm hồn và gắn bó với gia đình mình...[2]
Chú thích
Liên kết ngoài