Nhóm này được chia ra làm 3 phân nhóm: tiếng Latinh đứng một mình, các hậu thân của nó trong Nhóm Rôman và Nhóm Sabelli bao gồm vài ngôn ngữ cổ đã mai một.
Nhánh Ý-Tây: còn gọi là nhánh phía Tây vì bao gồm các tiếng trong nước Ý cũng như các tiếng Rôman tại phía Tây của Âu Châu. Điển hình của nhóm này là các tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Ý.
Khi Đế quốc La Mã chiếm gần hết Châu Âu họ mang tiếng Latinh đến các vùng đất họ vừa chiếm. Tuy nhiên, chỉ có loại tiếng Latinh bình dân đã trở nên thông dụng vì tiếng Latinh cổ điển không dễ học. Sự sáp nhập của các tiếng địa phương vào tiếng Latinh bình dân đã tạo nên các tiếng của nhóm Rôman sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ.
Nhóm Gaul-Rôman: còn được chia ra thành nhiều phân nhóm nhỏ hơn, tập trung tại Pháp và những vùng về phía đông của nó. Điển hình là tiếng Pháp, tiếng Romansh của Thụy Sĩ, các tiếng địa phương tại miền bắc nước Pháp và nhiều tiếng tại vùng tây-bắc của Ý.